Tổng hợp cách thức rà soát các tài khoản trước khi lập báo cáo tài chính

Báo cáo tài chính (BCTC) là báo cáo phản ánh tình hình tài sản, nguồn hình thành tài sản, kết quả kinh doanh, tình hình lưu chuyển dòng tiền và nghĩa vụ thuế của một doanh nghiệp. BCTC được lập dựa trên việc tổng hợp số liệu từ các sổ kế toán và tài khoản kế toán. Tính trung thực hợp lý của số liệu các tài khoản kế toán góp phần đảm bảo tính trung thực hợp lý của số liệu trên BCTC.

Bài viết sau đây của MISA AMIS sẽ giới thiệu cho bạn đọc cách thức rà soát số liệu trên các tài khoản kế toán để phục vụ cho việc lập BCTC.

1. Kiến thức cơ bản về các nhóm tài khoản

Để kiểm tra số liệu phản ánh trên từng tài khoản, trước hết kế toán cần hiểu rõ tính chất từng nhóm tài khoản kế toán.

1.1 Nhận diện tài khoản kế toán

Nhóm lớn Đầu số Nhóm nhỏ Ký hiệu Phát sinh
Tài sản 1 Nhóm TK tiền Từ 111 đến 128, 171 Tăng ghi bên nợ, giảm ghi bên có
Nhóm TK phải thu Từ 131 đến 141
Nhóm TK hàng tồn kho Từ 152 đến 157
2 Nhóm TK tài sản cố định, tài sản dài hạn khác Từ 211 đến 244
Nguồn vốn 3 Nhóm TK nợ phải trả Từ 311 đến 356 Giảm ghi bên nợ, tăng ghi bên có
4 Nhóm TK nguồn vốn chủ sở hữu Từ 411 đến 421
Doanh thu,chi phí, KDKD 5,7 Nhóm TK doanh thu, thu nhập 511,515,521,711
6,8 Nhóm TK chi phí Từ 611 đến 642, 811,821 Tăng ghi bên nợ, giảm ghi bên có
9 TK xác định kết quả KD 911

1.2 Nguyên tắc số dư

– Các tài khoản thuộc nhóm tài sản có số dư bên nợ, nhưng trong đó có một số tài khoản có thể có số dư bên có, bao gồm: TK 131,138,171.

– Các tài khoản thuộc nhóm nguồn vốn có số dư bên có, nhưng trong đó có một số tài khoản có thể có số dư bên nợ, bao gồm: TK 331,333,338,412,413,421.

– Tài khoản đầu 5 đến 9 không có số dư sau khi kết chuyển lãi lỗ.

1.3 Trình bày số liệu trên Báo cáo tài chính

Tên bảng biểu  Tài khoản cung cấp số liệu
1- Bảng cân đối tài khoản Tất cả các TK từ đầu 1 đến đầu 9
2- Bảng cân đối kế toán Các TK đầu 1,2,3,4 (tài sản và nguồn vốn)
3- Báo cáo kết quả kinh doanh Các TK đầu 5,6,7,8,9
4- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (Phương pháp trực tiếp) Tổng hợp dòng tiền vào, ra từ sổ chi tiết các tài khoản 111, 112
5- Thuyết minh BCTC Tất cả các TK từ đầu 1 đến đầu 9

Có thể bạn quan tâm: Cách lập báo cáo tài chính cơ bản, chi tiết qua 7 bước

2. Cách thức rà soát tài khoản và một số lưu ý đặc biệt:

Đối với các tài khoản có số dư thì tính trung thực hợp lý của số dư cuối kỳ sẽ phụ thuộc cả vào tính trung thực hợp lý của số dư đầu kỳ. Do vậy bước đầu tiên, kế toán sẽ phải kiểm tra số dư đầu kỳ bằng cách so sánh số liệu này với số dư cuối kỳ trên BCTC năm trước.

Sau đó, kế toán kiểm tra chi tiết phát sinh và số dư cuối kỳ của các tài khoản. Dưới đây là cách kiểm tra cơ bản một số tài khoản.

2.1. Các tài khoản trên Bảng cân đối kế toán

2.1.1 Các tài khoản TK 111,112,113,121,128,171

Phải lập hay thu thập bằng chứng đảm bảo sự tồn tại, và tính đúng đắn của số dư các tài khoản. Cụ thể:

  • Rà soát tài khoản 111: 
    • Kế toán so sánh số dư nợ TK 111 với kết quả kiểm kê quỹ tiền mặt thực tế tại ngày kết thúc năm tài chính. Nếu có sự chênh lệch, kế toán cần tìm nguyên nhân bằng cách kiểm tra lại phiếu thu chi, đối chiếu với hóa đơn chứng từ kèm theo.
    • Nếu tìm ra nguyên nhân tại thời điểm kiểm kê, căn cứ vào nguyên nhân tìm hiểu được, kế toán hạch toán bổ sung bút toán để số tiền kiểm kê được khớp đúng với số tiền trên sổ.
    • Nếu chưa phát hiện ra nguyên nhân tại thời điểm kiểm kê, lập biên bản có xác nhận của nghĩa vụ của Thủ quỹ với khoản thừa, thiếu, đồng thời hạch toán:
      • Trường hợp thiếu quỹ tiền mặt phát hiện khi kiểm kê (số dư trên sổ lớn hơn số kiểm kê tiền mặt thực tế), chưa xác định rõ nguyên nhân, ghi:

Nợ TK 138 – Phải thu khác (1381)

Có TK 111 – Tiền mặt.

      • Trường hợp thừa quỹ tiền mặt phát hiện khi kiểm kê (số dư trên sổ thấp hơn số kiểm kê tiền mặt thực tế), chưa xác định rõ nguyên nhân, ghi:

Nợ TK 111 – Tiền mặt

Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (3381).

Lưu ý: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch giữa TK 111 với tiền tồn thực tế tại quỹ, các nguyên nhân phổ biến bao gồm:

  • Thủ quỹ kiểm tiền nhầm khi thu, chi;
  • Bỏ sót, ghi sai bút toán thu, chi;
  • Có thực thu, thực chi nhưng không lập phiếu thu chi tương ứng.
  • Kế toán và thủ quỹ nên kiểm kê quỹ định kỳ theo ngày, tuần, tháng tùy khối lượng giao dịch tiền mặt mỗi công ty.
Hình 1: Kế toán và thủ quỹ nên kiểm kê quỹ định kỳ theo ngày, tuần, tháng tùy khối lượng giao dịch tiền mặt mỗi công ty – nguồn: freepik.com
  • Rà soát tài khoản TK 112, 128, 171:
    • TK 112: So sánh số dư nợ TK 112 với sao kê, sổ phụ ngân hàng. Trường hợp số dư trên sổ và số dư ở sao kê, sổ phụ ngân hàng không khớp, các nguyên nhân, bút toán hạch toán được thực hiện tương tự như đối với TK 111. Kế toán cần rà soát để ghi đúng, đủ các nghiệp vụ phát sinh liên quan tới tài khoản tiền gửi ngân hàng.
    • TK 128: Kiểm tra đầy đủ các hợp đồng cho vay, sổ tiết kiệm và sổ phụ công ty chứng khoán, so sánh với số dư từng khoản trên sổ chi tiết.
    • TK 171: Kiểm tra hợp đồng mua bán lại trái phiếu chính phủ: đã hạch toán đủ bút toán phân bổ chênh lệch giữa giá bán và giá mua lại trái phiếu chính phủ chưa. Khoản chênh lệch đó đã được ghi nhận doanh thu hoặc chi phí tài chính chưa. Bạn đọc tham khảo phương pháp kế toán TK 171 tại đây.
    • Lưu ý: Các tài khoản có gốc ngoại tệ (TK 1112, 1122, 1132, 128, 228, 131, 136, 138, 331, 341…), kế toán phải đánh giá lại tỷ giá cuối kỳ. Tỷ giá dùng để đánh giá lại là tỷ giá công bố của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch. Bạn đọc tham khảo cách hạch toán bút toán đánh giá lại tỷ giá cuối kỳ tại đây.

2.1.2 Các tài khoản phải thu (TK 131, 133, 136, 138, 141)

  • Rà soát TK 131:
    • Tại thời điểm cuối năm, kế toán cần rà soát bảng tổng hợp công nợ phải thu theo đối tượng, lập biên bản xác nhận công nợ với khách hàng. Khi nhận được phản hồi từ khách hàng, kế toán tiến hành so sánh số liệu trên Biên bản xác nhận công nợ với số dư trên sổ chi tiết của từng khách hàng.
    • Nếu phát hiện chênh lệch, phải khoanh vùng chênh lệch nằm ở khoảng thời gian nào. Khoanh vùng bằng cách chọn khoảng thời gian 6 tháng, 3 tháng, 1 tháng để đối chiếu tổng phát sinh, số dư công nợ giữa hai bên. Sai số tại khoảng nào thì kiểm tra khoảng đó. Hai bên kiểm tra hợp đồng, đơn đặt hàng, hóa đơn, phiếu giao hàng, chứng từ thanh toán để xác định sai sót.
      • Cần xác định được nguyên nhân chênh lệch và tập hợp đầy đủ bằng chứng, sai sót ở bên nào, bên đó hạch toán điều chỉnh, bổ sung.
      • Một số nguyên nhân dẫn đến chênh lệch số liệu phải thu với sổ của khách hàng:

– Chênh lệch do các bên hạch toán công nợ tại các thời điểm khác nhau. Bên bán ghi nhận khoản phải thu tại ngày xuất hàng, nhưng bên mua ghi nhận khoản phải trả tại ngày nhận được hàng, chưa đối chiếu tới điều kiện giao hàng trong hợp đồng;

– Chênh lệch do bên mua đã thanh toán tiền nhưng bên bán chưa nhận được và chưa vào sổ;

– Chênh lệch do hạch toán sai đối tượng công nợ khi vào phần mềm.

Ví dụ:

MẪU BIÊN BẢN XÁC NHẬN CÔNG NỢ

Bên bán: Công ty Fitek – MST: …

Bên mua: Công ty 3Q – MST: ….

Ngày đối chiếu Theo Sổ kế toán Công ty Fitek:

Số dư phải thu KH 3Q

(TK131-3Q)

Theo Sổ kế toán Công ty 3Q:

Số dư phải trả NCC Fitek

(TK331-FITEK)

Chênh lệch
31/12/2021 100.000.000 đ 85.000.000 đ 15.000.000 đ
Lý do chênh lệch: Ngày 30/10/2021, Fitek có xuất 1 lô hàng bán cho 3Q giá trị 15 triệu, nhưng 3Q không ghi nhận phiếu nhập mua và cũng không thấy hàng trong kho.
Căn cứ: Fitek không đưa ra được Biên bản giao hàng đầy đủ chữ ký, chứng minh hàng đã giao cho 3Q.
Nguyên nhân: Fitek gửi hàng ngoài giờ hành chính, cho người không có chức năng nhận hàng được quy định trong hợp đồng, không có chữ ký người nhận hàng, làm thất lạc hàng.
Biện pháp giải quyết: Fitek chấp nhận theo số liệu của 3Q vì Fitek giao hàng không đúng quy định.

(Chú ý: Do làm sai quy định, nếu đã xuất hóa đơn GTGT, Công ty Fitek vẫn phải ghi nhận doanh thu và thuế GTGT đầu ra, đồng thời khoản chi phí do không nhận được khoản thanh toán được ghi nhận vào chi phí khác, nhưng có thể bị loại khi xác định thuế TNDN.)

Lưu ý: Kế toán cần đối chiếu và lập biên bản xác nhận công nợ với tất cả khách hàng còn số dư cuối kỳ. Đặt biệt với các khách hàng có số dư bên có Tài khoản 131 – đây là khoản tiền khách hàng ứng trước. Kế toán phải có tài liệu chứng minh chưa đến hạn giao hàng, chưa bàn giao nghiệm thu công trình, dự án…. Số dư bên có tồn dài ngày và không chứng minh được thường phát sinh nhiều rủi ro, yêu cầu giải trình, chứng minh khi tranh, kiểm tra thuế.

  • Rà soát TK 133:
    • So sánh số dư nợ tài khoản 133 với chỉ tiêu số {43} trên tờ khai thuế GTGT cuối năm. Nếu kế toán theo dõi chuẩn, hai số liệu này phải bằng nhau. Kế toán lưu ý kết chuyển thuế GTGT theo tháng hay quý để kiểm tra kịp thời số dư tài khoản 133 với chỉ tiêu {43} tờ khai thuế tháng hay quý.
    • Tài khoản 133 là thuế GTGT đầu vào được khấu trừ. Tài khoản này có liên quan đến TK 331. Nếu TK 133 sai, TK 331 cũng có khả năng sai.
  • Rà soát các TK 136, 138, 141:
    • Kế toán sử dụng kỹ thuật kiểm tra thông thường tương tự TK 131: Kiểm tra chứng từ chi, chứng từ thu, chứng từ hoàn ứng, chứng từ khác.
    • Có thể lập biên bản xác nhận công nợ để xác định tính hiện hữu, số dư của các khoản công nợ phải thu này, đặc biệt là các khoản công nợ có số dư lớn, tương tự như ví dụ rà soát TK 131.
    • Cần rà soát một số khoản công nợ không phát sinh giao dịch từ đầu năm, tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp xử lý phù hợp, ví dụ lập dự phòng trong trường hợp đối tác không còn khả năng trả nợ hay thu hồi khoản tạm ứng.

2.1.3 Các tài khoản hàng tồn kho (TK152, 153, 154, 155, 156, 157):

  • Rà soát các TK 152, 153, 155, 156, 157:
    • Tại ngày kết thúc năm tài chính, kế toán phải cùng bộ phận quản lý kho thực hiện kiểm kê kho nguyên vật liệu, CCDC, thành phẩm, hàng hóa. Lập biên bản xác định thừa, thiếu và đề xuất biện pháp xử lý.
    • Để chuẩn bị công việc kiểm kê kho, kế toán cần ghi sổ hết các phiếu nhập, xuất hàng cho đến thời điểm kiểm kê. Cố gắng tạm dừng xuất nhập trong thời gian kiểm kho. Khi kiểm kho phát hiện thừa, thiếu so với sổ kế toán, phải xác định nguyên nhân và điều chỉnh.
      • Nếu chưa xác định được nguyên nhân, khi số lượng hàng thực kiểm lớn hơn số tồn trên sổ, kế toán lập phiếu nhập kho và hạch toán theo bút toán:

Nợ TK 152,153,155,156

Có TK 3388.

  • Khi số thực kiểm nhỏ hơn số tồn trên sổ, kế toán lập phiếu xuất để ghi giảm số lượng trên sổ, ghi sổ theo bút toán:

Nợ TK 1381

Có TK 152,153,155,156

  • Nếu chênh lệch thừa thiếu đã xác định được nguyên nhân thì căn cứ vào nguyên nhân chênh lệch để hạch toán bút toán bổ sung.
  • Trong quá trình kiểm kho ngoài việc xác định sự tồn tại thực tế về mặt số lượng, kế toán kết hợp với thủ kho cũng phải xác định chất lượng của hàng tồn, đưa ra đánh giá ban đầu để xem xét giá trị thực tế của hàng tồn kho có dấu hiệu suy giảm không. Nếu hàng tồn kém chất lượng so với ban đầu, công ty phải lập hội đồng đánh giá, xem xét việc trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo đúng Chuẩn mực kế toán Hàng tồn kho.
  • Kiểm kho là công việc rất khó khăn nếu công ty không áp dụng khoa học lưu trữ, sắp đặt, tạo mã. Vì vậy, để công tác kiểm kê, quản lý kho được thuận tiện và nhanh chóng, hàng ngày, kế toán và thủ kho phải thống nhất phối hợp ghi chép đầy đủ hàng nhập, hàng xuất. Thủ kho phải được đào tạo cách sắp đặt theo trật tự khoa học nhất, đây cũng là biện pháp để đảm bảo hiệu quả cho công tác bảo quản hàng tồn kho. Ngoài ra, thủ kho phải chủ động liên tục kiểm tra số tồn thực với số trên sổ tồn kế toán, kịp thời phát hiện và xử lý sớm sai sót.
  • Rà soát TK 154: 
    • Các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hoặc xây lắp… sẽ có phát sinh TK 154. Kế toán phải phối hợp số liệu với bộ phận sản xuất, bộ phận thi công để xác định khối lượng và mức độ dở dang của thành phẩm cuối kỳ.

Lưu ý chung đối với các tài khoản kho: Kế toán cần so sánh số phát sinh nợ, có, dư cuối kỳ của các tài khoản kho với phát sinh tăng, giảm, tồn trong bảng xuất-nhập-tồn kho. Số liệu hai sổ phải thống nhất.

Kinh nghiệm: Thông thường, để đảm bảo tính chuẩn xác của việc theo dõi, hạch toán hàng tồn kho, CCDC có phân bổ, khi mua nguyên vật liệu kế toán nên hạch toán nhập kho, sau đó hạch toán xuất kho khi giao hàng cho bộ phận bán hàng hoặc bộ phận tiêu dùng. Trong thực tế có không ít trường hợp hàng mua được chở luôn đến công trình để thi công, không qua kho, kế toán hạch toán thẳng vào TK 621, như vậy sẽ khó thống kê vật liệu về số lượng, giá cả khi cần.

2.1.4 Các tài khoản tài sản cố định, tài sản dài hạn (TK 211, 212, …, 244):

  • Rà soát TK 211, 212, 242

Tại thời điểm cuối kỳ, công ty cần kiểm kê tài sản cố định.

    • Về mặt số lượng, cần đối chiếu số liệu kiểm kê với danh mục tài sản cố định, công cụ dụng cụ đang được theo dõi trên sổ. Đồng thời, kế toán cần kết hợp kiểm tra một số tài sản đang thực có tại công ty có đang được theo dõi trên bảng tài sản và sổ kế toán hay không, để đảm bảo tính đầy đủ của số liệu tài sản.
    • Về mặt giá trị, nếu quá trình kiểm kê tài sản cho thấy có dấu hiệu tài sản bị hỏng hóc làm suy giảm giá trị, cần đề xuất khắc phục sớm. Nếu việc hỏng hóc làm giảm hiệu suất và thời gian sử dụng hữu ích của tài sản, thì kế toán cần lập biên bản đánh giá – đây là cơ sở để ban giám đốc đưa đến quyết định điều chỉnh, đánh giá lại tài sản cố định.
    • Kết hợp kiểm tra tài khoản cố định, kế toán đồng thời kiểm tra bút toán trích khấu hao đã đủ chưa. Nếu đơn vị có lập bảng tính khấu hao bằng excel thì so sánh giữa số liệu tính toán được với số liệu hạch toán trên phần mềm xem có khớp đúng hay không.
    • Kiểm tra bút toán phân bổ chi phí CCDC, chi phí trả trước. Kiểm tra sự thống nhất giữa TK 242 với số trong bảng tính phân bổ CCDC, chi phí trả trước. Bên cạnh đó, để trình bày đúng vào các chỉ tiêu ngắn hạn, dài hạn trên bảng cân đối kế toán, kế toán cần lưu ý phân loại đúng các khoản mục chi phí trả trước theo thời hạn gốc.
  • Rà soát TK 241
    • Thông thường, có hai rủi ro cần kiểm soát đối với khoản mục xây dựng cơ bản dở dang:
    • Tập hợp chưa đủ chi phí vào TK 241
    • Chậm kết chuyển từ TK 241 sang các TK 211, 213, 217… khi các hạng mục chính thức đã hoàn thành, sẵn sàng bàn giao cho bộ phận sử dụng.
    • Để kiểm soát hai rủi ro này, kế toán có thể xác định giá trị thực tế phát sinh hoặc tình trạng hoàn thành thông qua kết hợp các thủ tục:
      • Quan sát hiện trạng công trình
      • Đối chiếu với tiến độ tương ứng trên bản dự toán chi phí
      • Dựa vào các biên bản nghiệm thu từng phần, biên bản đánh giá khối lượng hoàn thành tại thời điểm cuối năm
      • Kết hợp phỏng vấn các nhân sự trực tiếp quản lý xây dựng nếu cần.
  • Rà soát TK 244: Kiểm tra số tiền đang ký quỹ tại ngân hàng, công ty cho thuê tài chính … bằng cách đối chiếu với hợp đồng, biên bản được ký giữa đơn vị với bên nhận ký quỹ.

2.1.5. Các tài khoản nợ phải trả (TK 331 đến 356):

  • Kiểm tra TK 331, 335, 336, 338: Kỹ thuật kiểm tra TK 331 cũng tương tự TK 131. Nếu phát hiện chênh lệch giữa số liệu trong sổ của đơn vị với nhà cung cấp, cách xử lý tương tự trường hợp của TK 131. Kế toán nên lập biên bản đối chiếu với tất cả nhà cung cấp.
  • Kiểm tra tài khoản 3331: Đối với TK 3331, kế toán rà soát lại xem đã kết chuyển đủ bút toán thuế GTGT ở các tháng hay chưa. Tài khoản 3331 liên quan đến TK 131. Nếu TK 131 sai, thì TK 3331 cũng có khả năng sai.
  • Kiểm tra TK 334: Số dư có TK 334 là khoản tiền lương và các khoản phải trả người lao động đến cuối kỳ chưa thanh toán. Thông thường, số dư TK 334 bao gồm tiền lương các tháng cuối năm chưa chi hết trong năm, tiền thưởng năm hạch toán vào cuối năm dương lịch (nhưng đến trước tết âm lịch mới chi). Kế toán căn cứ bảng lương, bảng thưởng, chứng từ chi để xác định tính chính xác của số dư tài khoản.
  • Kiểm tra TK 3383, 3384, 3386: Kế toán kiểm tra số tiền BHXH cuối kỳ chưa nộp căn cứ bản thông báo của cơ quan bảo hiểm (TK 3383,4,6), kết hợp đối chiếu với số lượng lao động tăng giảm trong kỳ.
  • Kiểm tra TK 341: Kế toán tổng hợp, đối chiếu số nợ vay và thuê tài chính bằng cách so sánh với bảng xác nhận số dư của ngân hàng, đơn vị cho thuê tài chính. đồng thời kiểm tra đã ghi nhận chi phí lãi vay trích trước đầy đủ chưa, số dư phải trả về lãi vay (trên TK 338) đối với từng khoản vay, từng khế ước vay.

Lưu ý: 

  • Với các khoản nợ phải trả, kế toán cần phân loại các khoản nợ phải trả đến hạn trong vòng 12 tháng tiếp theo kể từ thời điểm lập BCTC để trình bày vào chỉ tiêu nợ ngắn hạn. Các khoản đến hạn sau 12 tháng trình bày vào chỉ tiêu nợ dài hạn trong bảng cân đối kế toán.
  • Kế toán cũng cần lưu ý đánh giá các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ cuối kỳ theo đúng quy định về tỷ giá đánh giá lại nêu tại Thông tư 200.

2.1.6 Các tài khoản nguồn vốn chủ sở hữu (TK 411 đến 421)

  • Tại thời điểm đầu năm, kế toán phải kết chuyển tài khoản từ TK 4212 sang TK 4211.
  • Kế toán kiểm tra việc ghi nhận đúng và đủ các nghiệp vụ phát sinh trong năm liên quan tới biến động vốn góp của chủ sở hữu, các nghiệp vụ trích lập, sử dụng các quỹ có đúng quy định và được hạch toán đúng, đủ hay không.

2.2. Các tài khoản trên Báo cáo kết quả kinh doanh

2.2.1 Các tài khoản doanh thu (TK 511, 515, 521, 711)

  • Tại thời điểm cuối năm, kiểm tra xem có hóa đơn bán hàng nào cần phải xuất trong năm hay không bằng cách kiểm tra điều khoản giao hàng trong hợp đồng bán hàng, phiếu xuất kho giao hàng cho khách, ngày nghiệm thu công trình. Kế toán cần tiến hành xuất hóa đơn nếu đã thực sự chuyển giao quyền sở hữu về hàng hóa, công trình hay đã thực hiện xong dịch vụ cho khách hàng. Nếu nghiệp vụ ghi nhận doanh thu bị bỏ sót sang năm sau mới phát hành hóa đơn, ghi nhận bút toán thì số liệu doanh thu, công nợ trên BCTC đang bị sai lệch, đồng thời công ty phải xử lý thuế khá phức tạp ở kỳ sau.
  • Kế toán đồng thời kiểm tra số phát sinh có tài khoản 511, 711 với tổng chỉ tiêu {34} trên tờ khai thuế 12 tháng của năm, so sánh số phát sinh tài khoản 511 với Báo cáo theo dõi bán hàng của bộ phận Bán hàng. Nếu có sự chênh lệch, kế toán phải tìm hiểu nguyên nhân và giải thích được.

Ví dụ, các hóa đơn xuất cho hàng cho, biếu, tặng, kế toán không hạch toán doanh thu nhưng vẫn phải kê khai vào tờ khai thuế, cũng dẫn đến chênh lệch giữa doanh thu trên tờ khai với doanh thu trên BCTC.

  • Các khoản chi phí phát sinh trên các TK 515, 521, 711 cũng cần rà soát xem bản chất nghiệp vụ ghi nhận đã đúng quy định hay chưa và rà soát tính đúng kỳ tương tự đối với nghiệp vụ phát sinh trên TK 511.

2.2.2 Các tài khoản chi phí (TK 641, 642, 811, 821):

Đầu tiên, kế toán kiểm tra đối ứng tài khoản, nếu thấy xuất hiện tài khoản đối ứng khác lạ, cần xem lại từng trường hợp cụ thể. Các cặp tài khoản thường hoặc phải đi cùng nhau:

Bút toán Nợ Bút toán Có
Nợ TK621,6272 Có TK152
Nợ TK622, 6271,6411,6421 Có TK334
Nợ TK6274,6414,6424 Có TK214
Nợ TK821 Có TK3334

Bên cạnh đó, việc kiểm tra tính đúng kỳ của các bút toán hạch toán chi phí cũng rất quan trọng. Việc kiểm tra tính đúng kỳ của chi phí được thực hiện tương tự như kiểm tra tính đúng kỳ của bút toán hạch toán doanh thu trình bày ở mục 2.2.1 nêu trên.

Ngoài ra, để phục vụ đồng thời cho nhu cầu quản trị và soát xét BCTC, việc phân tích biến động doanh thu, chi phí giữa các kỳ trong năm, hoặc kỳ này so với cùng kỳ trước, so sánh với kế hoạch, so sánh với dự kiến, giải thích các biến động cũng có thể giúp kế toán phát hiện một số biến động bất thường, từ đó khoanh vùng được sai sót trong việc hạch toán nếu có. Quan trọng hơn, việc phân tích biến động này giúp kế toán, nhà quản trị có cái nhìn toàn diện, nắm bắt được xu thế biến động của tình hình sản xuất kinh doanh.

Để việc lập BCTC không trở thành áp lực, mỗi một kế toán viên nên cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình từ những ngày đầu tiên của kỳ kế toán, từ những bút toán đầu tiên. Ngoài ra, biết tận dụng các tiện ích vượt trội của phần mềm kế toán sẽ giúp cho công việc kiểm tra, đối chiếu, rà soát được nhanh chóng hơn, thuận tiện hơn. Những kiến thức được nêu ra ở bài viết trên hy vọng có thể giúp các bạn kế toán viên rà soát hiệu quả các tài khoản để chuẩn bị tốt nhất cho việc lập BCTC cuối kỳ.

Phần mềm kế toán online MISA AMIS – giải pháp tài chính thông minh hỗ trợ nhiều cho kế toán doanh nghiệp nói riêng và chủ doanh nghiệp nói chung. Phần mềm AMIS Kế Toán hỗ trợ tự động hóa việc lập báo cáo:

  • Tự động tổng hợp số liệu lên báo cáo thuế, báo cáo tài chính và các sổ sách giúp doanh nghiệp nộp báo cáo kịp thời, chính xác.
  • Đầy đủ báo cáo quản trị: Hàng trăm báo cáo quản trị theo mẫu hoặc tự thiết kế chỉnh sửa, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề.
  • Giám đốc có thể xem báo cáo trên mọi thiết bị, bao gồm điện thoại, máy tính, máy tính bảng.
  • Cảnh báo thông minh: Tự động cảnh báo khi phát hiện có sai sót.
  • …..

Nhanh tay đăng ký dùng thử miễn phí 15 ngày bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS để trải nghiệm công cụ tài chính tối ưu nhất.

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *