Thuế thu nhập doanh nghiệp – CIT (Corporate Income Tax) là một loại thuế trực thu đánh trực tiếp vào thu nhập của tổ chức, pháp nhân. Ở các quốc gia trên thế giới, loại thuế này có thể có các tên gọi khác nhau như thuế công ty (Corporate Tax), thuế lợi tức (Profit Tax), thuế lợi tức công ty (Corporate Profit Tax). Thông qua bài viết dưới đây, bạn đọc hãy cùng MISA AMIS tìm hiểu rõ hơn về loại thuế này.
Hình 1: Thuế thu nhập doanh nghiệp – CIT (Corporate Income Tax) là một loại thuế trực thu đánh trực tiếp vào thu nhập của một tổ chức, pháp nhân. Nguồn: Internet
1. Vai trò của CIT
CIT – Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là loại thuế đóng nhiều vai trò quan trọng, trong đó nổi bật nhất là ba vai trò sau đây:
Hình 2: Vai trò chính của CIT
Thứ nhất, CIT thuế TNDN là công cụ điều tiết hoạt động kinh tế. Nhà nước thông qua các chính sách về thuế suất, kỹ thuật tính thuế và quản lý thuế từ đó có thể kích thích hoặc hạn chế đầu tư tạo ra tác động chuyển dịch trong cơ cấu ngành, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của quốc gia.
Thứ hai, thuế CIT đảm bảo nguồn thu lớn và ổn định cho ngân sách nhà nước, đáp ứng các nhu cầu chi tiêu của chính phủ. Vai trò này đặc biệt nổi bật ở các quốc gia đang phát triển.
Thứ ba, thuế CIT là công cụ giúp doanh nghiệp tăng cường công tác quản lý tài chính, lập chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp thông qua việc quản lý doanh thu, chi phí để xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.
2. Các quy định về CIT thuế TNDN tại Việt Nam
2.1. Người nộp CIT
Người nộp thuế CIT là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế, bao gồm:
- Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam;
- Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã;
- Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.
Theo quy định tại Điều 2 Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12 ban hành ngày 03/06/2008 (được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 32/2013/QH13 ban hành ngày 19/06/2013).
Hình 3: Người nộp thuế TNDN là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế
2.2. Kê khai thuế CIT
Kỳ tính thuế CIT được xác định theo năm dương lịch hoặc năm tài chính (điểm b khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020). Doanh nghiệp được tạm nộp thuế theo quý mà không phải làm tờ khai thuế TNDN tạm tính. Khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/06/2019 quy định hồ sơ quyết toán năm có thời hạn kê khai là ngày cuối cùng của tháng thứ ba kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Ngoài kỳ kê khai thường gặp là năm tài chính, thuế CIT đối với các trường hợp đặc biệt sẽ có các kỳ kê khai khác, cụ thể:
- Thuế CIT khai theo từng lần phát sinh thì thời hạn kê khai là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh thu nhập. (Khoản 3 Điều 44 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14).
Doanh nghiệp phải kê khai thuế CIT đối với thu nhập theo tỷ lệ theo quy định của pháp luật. Trường hợp thu nhập phát sinh nhiều lần mỗi tháng thì doanh nghiệp được kê khai theo tháng. Các thu nhập này theo quy định tại Điểm e, n, o, p Khoản 4 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP bao gồm:
+ Thuế CIT đối với thu nhập của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong lãnh thổ Việt Nam khi bên Việt Nam thanh toán tiền cho nhà thầu nước ngoài;
+ Thuế CIT hoạt động chuyển nhượng bất động sản;
+ Thuế CIT đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn tại Việt Nam của nhà thầu nước ngoài;
+ Thuế CIT đối với thu nhập từ chuyển nhượng quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí.
- Thuế CIT quyết toán trong trường hợp tái tổ chức, chuyển đổi loại hình, giải thể, chấm dứt hoạt động doanh nghiệp thì thời hạn kê khai chậm nhất ngày thứ 45 kể từ ngày có quyết định tái tổ chức, chuyển đổi loại hình, giải thể, chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp. (Khoản 4 Điều 44 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14).
2.3. Nộp thuế CIT
Thời hạn nộp thuế quy định tại Điều 55 Luật quản lý thuế 38/2019/QH14 ban hành ngày 13/06/2019 là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.
Riêng đối với với trường hợp tạm nộp thuế CIT theo quý, thời hạn chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu quý sau.
Hình 4: Thời hạn nộp thuế là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế. Nguồn: Internet
Điểm b khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ban hành ngày 19/10/2020 được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ban hành ngày 30/10/2022 quy định tổng số thuế CIT đã tạm nộp của 04 quý không được thấp hơn 80% số thuế CIT phải nộp theo quyết toán năm.
Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 04 quý thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế CIT quý 04 đến ngày liền kề trước ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.
Xem thêm: Thuế giá trị gia tăng là gì? Nội dung thuế VAT chi tiết
3. Phương pháp tính tính thuế CIT
Thuế CIT phải nộp được doanh nghiệp xác định theo công thức sau:
Thuế CIT phải nộp | = | ( | Thu nhập tính thuế | – | Phần trích lập quỹ KH&CN (nếu có) | ) | x | Thuế suấtThuế CIT |
Như vậy, để tính được số thuế CIT phải nộp, doanh nghiệp trước tiên cần xác định Thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho doanh nghiệp của mình.
3.1. Xác định thu nhập tính thuế CIT
Thu nhập tính thuế CIT được xác định theo công thức sau:
Thu nhập tính thuế CIT | = | Thu nhập chịu thuế | – | ( | Thu nhập miễn thuế | + | Các khoản lỗ được kết chuyển | ) |
3.1.1 Thu nhập chịu thuế
Thu nhập chịu thuế là tổng thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh (doanh thu trừ đi các chi phí được trừ) và các khoản thu nhập khác.
Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là toàn bộ doanh thu từ hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ, gia công trong kỳ của doanh nghiệp, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Các khoản chi phí được trừ khi tính thuế CIT trước hết phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC ban hành ngày 18/06/2014, cụ thể đó là các khoản chi:
+ Thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;
+ Có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật;
+ Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá bao gồm thuế GTGT).
Ngoài ra, các khoản chi này phải không nằm trong danh mục các khoản chi không được trừ, các bạn có thể tham khảo chi tiết quy định tại khoản 2 Điều 6 cũng tại thông tư này. Nhìn chung, các khoản chi không được trừ được thường sẽ là các khoản chi không đáp ứng ba điều kiện của khoản chi phí được trừ đã nêu phía trên và các khoản chi vượt mức quy định. Các khoản chi không được trừ thường gặp là:
- Chi phí khấu hao:
+ Tài sản cố định không sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh;
+ Tài sản cố định không có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu của doanh nghiệp;
+ Tài sản không được quản lý hạch toán kế toán;
+ Phần khấu hao vượt mức quy định của Bộ Tài Chính;
+ Phần khấu hao tương ứng nguyên giá trên 1,6 tỷ đồng/ xe với ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống trừ: ô tô dùng cho kinh doanh vận tải hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn; ô tô dùng để làm mẫu và lái thử cho kinh doanh ô tô;
+ Phần trích khấu hao đối với tài sản cố định là tàu bay dân dụng, du thuyền không sử dụng kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn;
+ Khấu hao của tài sản đã khấu hao hết giá trị.
- Chi cho người lao động:
+ Thực tế không chi, không có chứng từ hợp lệ;
+ Thực tế chưa chi đến thời điểm quyết toán năm mà không trích dự phòng (dự phòng không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện);
+ Không được quy định tại một trong các loại văn bản Hợp đồng lao động, Thoả ước lao động tập thể, Quy chế tài chính của công ty…;
+ Chi thưởng sáng kiến không có quy định cụ thể, không có hội đồng nghiệm thu;
+ Trích bảo hiểm, kinh phí công đoàn vượt mức quy định;
+ Chi trang phục bằng tiền vượt mức 5 triệu đồng/ người/ năm;
+ Chi vượt mức 3 triệu đồng/ tháng/ người để trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ (sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 3 Thông tư 25/2018/TT-BTC)
….
- Chi phí lãi vay:
+ Lãi của khoản vay của đối tượng không phải tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế vượt 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước công bố tài thời điểm vay;
+ Lãi vay vốn tương ứng với phần vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn đã đăng ký.
- Một số trường hợp không được trừ khác:
+ Chi nguyên vật liệu, nhiên liệu, năng lượng vượt mức tiêu hao hợp lý;
+ Trích lập dự phòng không đúng quy định (dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng bảo hành sản phẩm…);
+ Chi phí trích trước mà hết kỳ hạn trích chưa chi hoặc chi không hết;
+ Lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái các khoản tiền mặt, tiền gửi, tiền đang chuyển các khoản nợ phải thu có gốc ngoại tệ;
+ Chi tài trợ không đúng quy định hoặc không có đầy đủ hồ sơ theo quy định bao gồm tài trợ cho giáo dục, y tế, khắc phục hậu quả thiên tai, nghiên cứu khoa học…
+ Các khoản phạt vi phạm hành chính;
+ Các khoản thuế GTGT đầu vào đã được khấu trừ.
Hình 5: Các khoản phạt vi phạm hành chính là chi phí không được trừ khi tính thuế TNDN. Nguồn: Internet
Thu nhập khác là các khoản thu nhập được quy định cụ thể tại Điều 8 Thông tư 78/2014/TT-BTC, bao gồm:
+ Thu nhập từ chuyển nhượng: vốn, chứng khoán, bất động sản, dự án đầu tư, quyền sở hữu và sử dụng tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, , tài sản, các giấy tờ có giá;
+ Thu nhập từ cho thuê, cho vay, bán ngoại tệ;
+ Khoản thu từ nợ khó đòi đã xoá nay đòi được; khoản thu từ nợ phải trả không xác định được chủ;
+ Thu tiền bồi thường, thu nhập từ quà được biếu tặng, thu từ bán phế liệu;
+ Thu nhập từ năm trước bỏ sót nay phát hiện ra;
+ Thu nhập từ chênh lệch tỷ giá;
…
Đọc thêm: Hướng dẫn cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp mới nhất
3.1.2 Thu nhập miễn thuế
Theo quy định tại Điều 8 Thông tư 78/2014/TT-BTC, một số khoản thu nhập sau sẽ được miễn thuế CIT nếu đáp ứng điều kiện về tỷ lệ đầu vào cũng như có đầy đủ hồ sơ, chứng từ:
- Thu nhập của trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn (đối với hợp tác xã), hoặc đặc biệt khó khăn (đối với doanh nghiệp, hợp tác xã);
- Thu nhập từ việc thực hiện dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ nông nghiệp;
- Thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ được miễn thuế trong thời gian thực hiện hợp đồng nhưng tối đa không quá 03 năm kể từ ngày bắt đầu có doanh thu từ thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;
- Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp có số lao động là người khuyết tật, người sau cai nghiện ma túy, người nhiễm HIV bình quân trong năm chiếm từ 30% trở lên;
- Thu nhập từ hoạt động dạy nghề dành riêng cho người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng tệ nạn xã hội, người đang cai nghiện, người sau cai nghiện, người nhiễm HIV/AIDS.
3.1.3 Các khoản lỗ được kết chuyển
Khi quyết toán thuế CIT, doanh nghiệp được phép chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập tính thuế CIT của những năm tiếp theo.
Lưu ý: thời gian chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ. Quá thời hạn này, số lỗ chưa chuyển hết sẽ không được chuyển tiếp vào thu nhập năm tiếp theo.
Hình 6: Phụ lục chuyển lỗ khi quyết toán thuế TNDN 2022. Nguồn: Internet
Có thể bạn quan tâm: Nguyên tắc chuyển lỗ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp
3.2. Xác định thuế suất thuế CIT
Tùy thuộc vào ngành nghề kinh doanh của mà doanh nghiệp áp dụng các mức thuế suất thuế CIT khác nhau:
– Thuế suất thuế CIT phổ thông của Việt Nam là 20%.
– Thuế suất đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí tại Việt Nam là từ 32% đến 50% và được quyết định mức cụ thể cho từng dự án, tùy thuộc vào vị trí, điều kiện khai thác, trữ lượng,…
– Thuế suất đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác các mỏ tài nguyên quý hiếm là 50%.
3.3. Xác định ưu đãi thuế CIT được hưởng
– Ưu đãi về thuế suất: Chi tiết về ưu đãi thuế mời độc giả tìm hiểu trong các bài dưới đây:
– Ưu đãi về tiền thuế
Ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế (Điều 20 Thông tư Thông tư 78/2014/TT-BTC) bao gồm:
+ Miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với các dự án đầu tư mới quy định tại Khoản 1 Điều 19 Thông tư này (đối tượng được hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm), dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hóa thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn;
+ Miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm tiếp theo đối với các dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hóa thực hiện tại địa bàn không phải địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn;
+ Miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với các dự án đầu tư mới quy định tại Khoản 4 Điều 19 Thông tư này (đối tượng được hưởng thuế suất 20% và chuyển sang 17% (từ 1/1/2016) trong thời hạn 10 năm).
Thời gian miễn, giảm thuế CIT được tính liên tục từ năm đầu tiên doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế. Trường hợp doanh nghiệp không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án đầu tư mới thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư dự án đầu tư mới phát sinh doanh thu.
– Một số nguyên tắc khi áp dụng ưu đãi thuế TNDN
+ Phải hạch toán riêng thu nhập của hoạt động được ưu đãi thuế TNDN;
+ Nếu một khoản thu nhập trong cùng một kỳ thuộc diện được áp dụng nhiều ưu đãi khác nhau thì doanh nghiệp tự lựa chọn một ưu đãi thu thuế TNDN có lợi nhất;
+ Doanh nghiệp tự xác định các điều kiện ưu đãi thuế, mức thuế suất ưu đãi, thời gian miễn thuế, giảm thuế, số lỗ được trừ vào thu nhập tính thuế để tự kê khai và tự quyết toán thuế với cơ quan thuế.
CIT – Thuế thu nhập doanh nghiệp là một sắc thuế chính trong hệ thống thuế Việt Nam. Thuế CIT tác động và ảnh hưởng trực tiếp tới mọi doanh nghiệp thuộc mọi loại hình tham gia vào nền kinh tế.
Việc hiểu rõ bản chất của loại thuế này cũng như nắm được phương pháp xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp là vô cùng cần thiết đối với một kế toán viên nói chung, và kế toán thuế nói riêng. Hy vọng rằng, những kiến thức MISA AMIS đem lại qua bài viết trên sẽ giúp độc giả tự tin hơn khi làm việc cùng thuế CIT.
Đối với người làm kế toán, sự hỗ trợ của phần mềm kế toán trong công việc hàng ngày là vô cùng hữu ích. Đặc biệt, phần mềm kế toán online MISA AMIS với đầy đủ các tính năng từ phân tích tài chính, quỹ, ngân hàng đến mua bán hàng, quản lý hóa đơn, hợp đồng …. và nhất là tính năng về thuế sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho kế toán viên. Tính năng về thuế tạo ra sự đơn giản, chính xác và hiệu quả trong nghiệp vụ quản lý thuế của doanh nghiệp, các tính năng như:
- Tự động lập tờ khai theo mẫu biểu mới nhất
- Tự động khấu trừ thuế
- Nộp tờ khai trực tiếp cho cơ quan thuế từ phần mềm
- Tự động quyết toán thuế TNDN hàng năm
là những tính năng cần thiết và sẽ hỗ trợ tối đa cho kế toán viên trong quá trình thực hiện nghiệp vụ kế toán về thuế. Anh/chị kế toán viên quan tâm tìm hiểu và trải nghiệm bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS có thể đăng ký: