Một số vấn đề chung về Kế toán xây dựng

Cùng với các ngành Công nghiệp, Nông nghiệp, Thương mại dịch vụ thì Xây dựng được coi là một trong những trụ cột chính của kinh tế ngành Việt Nam.

Theo số liệu tại báo cáo của Tổng cục Thống kê, cơ cấu nền kinh tế Việt Nam năm 2021 là: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,36%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,86%; khu vực dịch vụ chiếm 40,95% …

Các hoạt động của ngành xây dựng rất đa dạng, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành cơ sở hạ tầng cho các hoạt động của nền kinh tế xã hội như các hoạt động xây dựng nhà máy, khu công nghiệp phục vụ ngành công nghiệp; xây dựng cầu, đường, nhà ga, bến cảng phục vụ ngành giao thông vận tải; xây dựng kênh, mương, kè, đập phục vụ ngành nông nghiệp …

Trong những năm qua, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cũng có sự bùng nổ về cả số lượng và chất lượng hoạt động. Doanh nghiệp xây dựng cũng rất đa dạng về loại hình doanh nghiệp và quy mô vốn, từ các Tập đoàn, Tổng công ty lớn đến các doanh nghiệp cổ phần, công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân …

Với những đặc thù riêng biệt của ngành xây dựng như sản phẩm đơn chiếc, thời gian thực hiện kéo dài, nhiều loại nguyên nhiên vật liệu khác nhau để xây dựng công trình, sản xuất phụ thuộc điều kiện thời tiết, địa hình, kỹ thuật thực hiện phức tạp…, kế toán xây dựng là một trong các nghề khó, các nội dung liên quan đến kế toán xây dựng trở thành vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm; với mong muốn cùng tìm hiểu, giải đáp các vấn đề đó, MISA sẽ gửi tới quý bạn đọc trong chùm bài viết về Kế toán, thuế trong doanh nghiệp xây dựng.

Trong bài viết này, MISA AMIS mời bạn tìm hiểu một số vấn đề chung nhất về kế toán xây dựng, giúp bạn đọc có cái nhìn bước đầu tổng quan nhất về kế toán xây dựng.

Hình 1: Kế toán xây dựng gắn với nhiều đặc thù riêng biệt – Nguồn ảnh: Internet

1. Một số đặc điểm của kế toán xây dựng

So với các ngành sản xuất khác, ngành xây dựng cơ bản có những đặc điểm kinh tế – kỹ thuật riêng biệt về sản phẩm, tổ chức hoạt động sản xuất thi công xây dựng và tổ chức quản lý. Các đặc điểm này sẽ chi phối với công tác kế toán tại doanh nghiệp xây dựng, được khái quát qua một số vấn đề sau:

  • Đặc điểm lớn nhất trong các doanh nghiệp xây dựng là việc nhận thầu theo công trình, dự án; mỗi loại công trình dự án đều có những đặc điểm khác nhau về quy mô, kết cấu, tính năng sử dụng. Do vậy, tổ chức kế toán trong doanh nghiệp xây dựng thường phục vụ cho việc thu nhận, xử lý, hệ thống hóa và cung cấp thông tin cho từng công trình, dự án, hợp đồng, đơn hàng.
  • Mỗi công trình xây dựng doanh nghiệp nhận thầu được coi là một đối tượng tập hợp chi phí của kế toán. Kế toán phải theo dõi chi phí và hạch toán riêng cho từng công trình xây dựng mà doanh nghiệp trúng thầu.
  • Hợp đồng thầu thi công thường có nhiều giai đoạn nghiệm thu, thanh toán. Song song với các giai đoạn này cũng có những đặc điểm khác nhau về vật tư, nhân công, kỹ thuật và chi phí xây dựng. Dựa vào giá trị dự toán của công trình mà doanh nghiệp đã trúng thầu mà kế toán xây dựng sẽ bóc tách các chi phí để hạch toán. Việc bóc tách chi phí trong mỗi công trình dự thầu xây dựng này nhằm mục đích hiểu rõ được những chi phí trong dự toán như thế nào giúp cho kế toán có thể hạch toán đúng.
  • Nhiều công trình xây dựng kéo dài qua nhiều kỳ kế toán, nhiều lần nghiệm thu thanh toán. Kế toán cần nắm vững các mốc tiến độ để hạch toán  và theo dõi thường xuyên các loại chi phí và kết chuyển chi phí cho phù hợp. Đồng thời, cần lưu ý tổ chức kế toán quản trị nhằm kiểm soát khâu lập dự toán, quản lý các yếu tố đầu vào trong quá trình thi công xây dựng.
  • Các loại chi phí (nguyên vật liệu, nhân công, máy thi công) cơ bản đều thực hiện theo định mức được lập tại dự toán.
  • Thực hiện việc tính giá thành xây dựng, ghi nhận doanh thu theo từng đợt nghiệm thu (khi đó công trình xây dựng có thể chưa hoàn thành toàn bộ).

banner

2. Các công việc cơ bản của kế toán xây dựng

Các công việc cơ bản của kế toán xây dựng thường gắn với các giai đoạn cơ bản của hoạt động xây dựng như giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn thi công và giai đoạn hoàn thành, nghiệm thu công trình.

Kế toán tại doanh nghiệp xây dựng thường tập trung thực hiện các nội dung công việc sau:

Hình 2: Các công việc cơ bản của kế toán xây dựng

Lưu ý: Kế toán xây dựng cần thực hiện các đầu mục công việc cơ bản này với từng công trình xây dựng.

2.1. Phân tích hợp đồng

Kế toán xây dựng cần phân tích từng hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu (doanh nghiệp xây dựng) để nắm được một số vấn đề chính như sau:

– Nội dung các công việc thực hiện của doanh nghiệp theo hợp đồng thầu

– Quy mô; giá trị công trình; địa điểm xây dựng công trình

– Thời gian thi công; các thời điểm nghiệm thu thanh toán

– Phương thức thanh toán, giá trị tạm ứng, thanh toán từng đợt

– Thời gian, giá trị bảo hành

– Các hồ sơ yêu cầu khi tiến hành nghiệm thu, thanh toán, quyết toán công trình

– Các nội dung cần thiết khác.

2.2. Xác định dự toán chi phí

Kế toán trong doanh nghiệp xây dựng cần kết hợp chặt chẽ, thường xuyên với bộ phận dự thầu, bộ phận kỹ thuật hoặc dựa vào dự toán dự thầu của doanh nghiệp để bóc tách, xác định dự toán các chi phí trong công trình theo từng nội dung chi phí như sau:

Chi phí Nội dung công việc
Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp Bóc tách từng hạng mục trong chi phí nguyên vật liệu chi tiết để có kế hoạch mua bán, dự trữ vật tư phù hợp
Chi phí nhân công trực tiếp Phục vụ khâu lập kế hoạch nhân sự, bảng lương, bảo hiểm cần có trong quá trình thi công công trình
Chi phí sử dụng máy thi công Xác định các loại máy cần có phục vụ thi công, xây dựng kế hoạch khai thác và sử dụng máy thi công cho công trình trên cơ sở  các loại máy hiện có của doanh nghiệp hoặc trang bị thêm hoặc phải thuê ngoài
Chi phí quản lý chung Tổng hợp, theo dõi, phân bổ các chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí khấu hao tài sản cố định, phân bổ CCDC cùng với các chi phí mua ngoài khác
Chi phí khác Bảo hiểm công trình, các chi phí thủ tục xây dựng, chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, các chi phí tư vấn (tư vấn thăm dò địa chất, tư vấn thiết kế …)

2.3. Tổ chức hạch toán các chi phí phát sinh

Khi tổ chức hạch toán chi phí, kế toán cần mở chi tiết theo dõi cho từng công trình riêng biệt.

Với từng nội dung chi phí phát sinh, các nội dung công việc tổ chức hạch toán và một số lưu ý như sau:

  • Về ghi nhận chi phí nguyên, nhiên vật liệu trực tiếp:

+ Chỉ đưa vào hạch toán các loại nguyên vật liệu có trong bảng tính vật tư đã được bóc tách từ dự toán của công trình.

+ Tổ chức theo dõi và quản lý nguyên vật liệu theo định mức:

Theo dõi số lượng nguyên vật liệu xuất sử dụng cho công trình phải đảm bảo phù hợp với số lượng nguyên vật liệu theo bảng tính vật tư đã được bóc tách từ dự toán của công trình.

Về cơ bản số lượng nguyên vật liệu khi xuất sử dụng tại công trình phải bằng hoặc thấp hơn so với dự toán. Trường hợp cao hơn dự toán nhưng tỷ lệ vượt không đáng kể do làm tròn thì cũng có thể chấp nhận được (ví dụ như dự toán tính 398,52 m3 cát thì do việc mua vật liệu hoặc do khối lượng chuyên chở không tính lẻ được thì cũng có thể chấp nhận khối lượng đưa vào công trình cao hơn, ví dụ 400 m3).

+ Áp dụng phương pháp tính giá xuất kho phù hợp, có thể áp dụng phương pháp nhập trước – xuất trước, thực tế đích danh hoặc phương pháp bình quân cuối kỳ.

  • Về chi phí nhân công trực tiếp:

+ Nhân công là lao động tại đơn vị: Căn cứ các văn bản về điều động, tổ chức nhân công thực hiện công việc tại công trình để theo dõi, tính toán chi phí nhân công và hạch toán chi tiết cho công trình.

+ Nhân công là lao động thuê khoán ngoài: Ký kết hợp đồng thuê nhân công theo các hình thức hợp đồng lao động thời vụ hoặc có thời hạn, hoặc ký kết hợp đồng thuê khoán.

+ Lập và theo dõi bảng chấm công, bảng lương nhân công theo tiến độ thi công công trình.

+ Lưu ý các khoản thuế thu nhập cá nhân phát sinh đối với từng nhóm đối tượng nhân công (ký hợp đồng nhân viên, thuê ngoài, thời vụ)

+ Theo dõi và quản lý chi phí nhân công xây dựng theo định mức.

  • Về chi phí máy thi công

+ Theo dõi các khoản chi phí thường xuyên và chi phí tạm thời.

+ Theo dõi và quản lý chi phí sử dụng máy thi công theo định mức, trên cơ sở đó xác định phương pháp kế toán tập hợp chi phí và kết chuyển chi phí đúng đối tượng.

+ Hạch toán chi phí sử dụng máy thi công phải phù hợp với hình thức quản lý, sử dụng máy thi công của đơn vị (tổ chức đội máy thi công riêng hoặc giao máy thi công tới từng công trình, đội xây dựng hoặc phương thức thuê ngoài)

  • Về chi phí quản lý chung

+ Theo dõi thường xuyên tình hình thực hiện dự toán chi phí sản quản lý chung.

+ Tổ chức theo dõi, hạch toán và phân bổ chi phí quản lý chung cho từng công trình, hạng mục công trình và theo dõi chi tiết theo các điều khoản theo quy định.

2.4. Tập hợp chi phí và tính giá thành công trình

Kế toán căn cứ vào hợp đồng nhận thầu để kế toán tập hợp chi phí, tính giá thành cho phù hợp:

– Tập hợp chi phí, tính giá thành theo từng giai đoạn thi công, giai đoạn nghiệm thu nếu hợp đồng chia nhiều giai đoạn nghiệm thu.

– Tập hợp chi phí, tính giá thành khi công trình hoàn thành nghiệm thu nếu hợp đồng không chia giai đoạn nghiệm thu (nghiệm thu khi hoàn thành toàn bộ công trình – phương thức “chìa khóa trao tay”).

2.5. Các công việc khác kế toán xây dựng cơ bản

– Lập báo cáo thuế tháng, quý (phù hợp với yêu cầu kê khai thuế).

– Lập báo cáo tài chính cuối năm và tính toán thu nhập doanh nghiệp cho từng công trình.

– Lập báo cáo nội bộ phục vụ yêu cầu quản lý của cấp trên

– Sắp xếp; lưu trữ hồ sơ, hóa đơn, chứng từ, sổ sách một cách khoa học theo từng công trình và theo từng giai đoạn thi công/hoàn thành của công trình.

– Nắm vững hồ sơ, tài liệu, số liệu của công trình để phục vụ cho việc kiểm tra của các cơ quan liên quan như cơ quan thuế, thanh tra.

– Theo dõi các nghiệp vụ về sửa chữa, bảo hành công trình.

banner

3. Yêu cầu đối với kế toán xây dựng

Để làm tốt các công việc kế toán trong doanh nghiệp xây dựng, ngoài việc nắm vững các nghiệp vụ kế toán, kế toán cần trang bị thêm cho mình một số kỹ năng như:

– Có sự hiểu biết nhất định đối với đặc thù hoạt động xây dựng và đặc điểm từng công trình xây dựng cụ thể.

– Khả năng làm việc nhóm, khả năng phối hợp trong công tác.

– Khả năng sử dụng máy tính (đặc biệt là khả năng sử dụng Excel), khả năng sử dụng các phần mềm chuyên ngành. 

– Biết soạn thảo hoặc nắm bắt những nội dung cần thiết trong các loại hồ sơ liên quan như:

+ Hợp đồng xây dựng (như đã trình bày tại mục 2)

+ Dự toán xây dựng, các chi phí dự toán, quy định về hệ thống định mức do Bộ Xây dựng, ngành, địa phương ban hành (như đã trình bày tại mục 2)

+ Các loại biên bản liên quan như:

Biên bản nghiệm thu vật liệu đầu vào (kèm theo các chứng chỉ vật liệu của nhà cung cấp nếu có);

Biên bản nghiệm thu chuyển bước thi công (lưu ý các biên bản nghiệm thu các phần công việc trước khi bị che lấp (như phần đào móng, đổ bê tông móng …)

+ Các tài liệu cần có trong hồ sơ nghiệm thu, thanh toán:

Biên bản nghiệm thu khối lượng, chất lượng công trình;

Biên bản xác định giá trị nghiệm thu, thanh toán; Hồ sơ kỹ thuật kèm theo …

+ Các tài liệu cần có trong hồ sơ hoàn công, hồ sơ quyết toán công trình ….

Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc quan tâm đến kế toán xây dựng đã có những hiểu biết chung nhất về đặc điểm cơ bản, công tác kế toán ở lĩnh vực đặc thù này. Mời bạn tiếp tục đón đọc các bài tiếp theo trong chùm chủ đề Kế toán, thuế trong doanh nghiệp xây dựng tại MISA AMIS.

Để giúp giải phóng nhân lực, giảm thiểu khối lượng công việc cho người làm kế toán doanh nghiệp xây dựng nói riêng và tất cả loại hình doanh nghiệp nói chung, MISA đã phát triển phần mềm kế toán online MISA AMIS với nhiều tính năng đáp ứng nhu cầu và đặc trưng doanh nghiệp xây dựng:

  • Quản lý hồ sơ công trình.
  • Quản lý tài sản cố định, khấu hao tài sản.
  • Quản lý hoạt động đầu tư xây lắp.
  • Quản trị dòng tiền.

Hiện nay, với thế mạnh về công nghệ, sự tiện dụng trong sử dụng, phần mềm kế toán MISA AMIS đã trở thành sự lựa chọn đáng tin cậy của hàng nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xây lắp và xây dựng công trình trên toàn quốc. Anh chị quan tâm và muốn trải nghiệm thử phần mềm kế toán MISA AMIS có thể đăng ký miễn phí tại đây

>> DÙNG THỬ MIỄN PHÍ – PHẦN MỀM KẾ TOÁN ONLINE MISA AMIS

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *