Trong kế toán có những tài khoản lưỡng tính – tài khoản được phép có cả số dư cuối kỳ bên có hoặc bên nợ tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Vậy tài khoản lưỡng tính là gì, bài viết dưới đây sẽ đề cập chi tiết về tài khoản cũng như bản chất từng loại.
1. Tài khoản lưỡng tính là gì?
Thông thường tài khoản kế toán chỉ được có số dư bên có hoặc số dư bên nợ hoặc không có số dư cuối kỳ. Tuy nhiên, tài khoản lưỡng tính là những tài khoản có thể có số dư cuối cùng bên và cũng có thể có số dư cuối kỳ bên nợ.
Các tài khoản lưỡng tính bao gồm:
- Tài khoản 131: Phải thu của khách hàng
- Tài khoản 331: Phải trả cho người bán
- Tài khoản 1388: Phải thu khác
- Tài khoản 334: Phải trả cho người lao động
- Tài khoản 333: Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước
- Tài khoản 338: Phải trả khác
- Tài khoản 421: Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
>>> Đọc toàn bộ hệ thống tài khoản tại bài viết: Bảng tài khoản kế toán theo thông tư 200 và 133
2. Các tài khoản kế toán lưỡng tính và cách định khoản
2.1. Tài khoản 131 – Phải thu khách hàng
– Số dư bên Nợ của tài khoản 131 phản ánh số tiền còn phải thu của khách hàng.
– Tài khoản 131 có thể có số dư bên Có: Phản ánh số tiền đã nhận trước hoặc số đã thu nhiều hơn số phải thu của khách hàng chi tiết theo từng đối tượng.
Ví dụ 1a: Tài khoản 131 có số dư bên Có:
Ngày 8/11/2021, doanh nghiệp nhận ứng trước của công ty A 100 triệu đồng tiền gửi ngân hàng VCB, đã có báo giấy báo có của ngân hàng.
Hướng dẫn định khoản:
Nợ TK 1121 (VCB): 100
Có TK 131 (A): 100
Ví dụ 2b: Tài khoản 131 có số dư bên Nợ:
Một công ty bán lô hàng trị giá 200 triệu đồng chưa gồm thuế GTGT 10% cho công ty B. Công ty B đã nhận hàng và hẹn kỳ sau thanh toán.
Định khoản bút toán phải thu khách hàng
Nợ TK 131 (B): 220.000.000
Có TK 511: 200.000.000
Có TK 33311: 20.000.000
>>> Xem thêm kiến thức về công nợ: 5 điều cần nắm rõ để trở thành kế toán công nợ phải thu chuyên nghiệp
2.2. Tài khoản 138 – Phải thu khác
Tài khoản 138 phản ánh các khoản doanh nghiệp phải thu ngoài các khoản phải thu phản ánh ở tài khoản 1386, 1381, 136, 133, 131. Chẳng hạn: Phải thu các khoản phải bồi thường do làm mất tiền, tài sản; Phải thu các khoản cổ tức, lợi nhuận, tiền lãi…
– Tài khoản 1388 có số dư bên Nợ: Phản ánh các khoản phải thu mà doanh nghiệp chưa thu được
– Tài khoản 1388 có số dư bên Có: Thể hiện số tiền doanh nghiệp đã thu lớn hơn số tiền đáng lẽ ra phải thu. Lúc này, doanh nghiệp phải có nghĩa vụ trả lại cho đối tượng số tiền dư.
Ví dụ:
Tài khoản 1388 có số dư bên có:
Ngày 11/8/2021, A trả tiền cho B qua ngân hàng ACB. Tuy nhiên, A chuyển thừa 200.000.000 đồng.
Nợ TK 1121 (ACB): 200.000.000
Có TK 1388 (A): 200.000.000
Tài khoản 1388 có số dư bên nợ:
Công ty A kiểm kê hàng hóa phát hiện thiếu hàng trị giá 20.000.000 đồng
Nợ TK 138: 20.000.000
Có TK 156: 20.000.000
2.3. Tài khoản 331 – Phải trả người bán
– Số dư bên Có thể hiện số tiền phải trả cho người cung cấp người bán, người nhận thầu xây lắp.
– Tài khoản này có thể có số dư bên Nợ phản ánh số tiền đã trả nhiều hơn số phải trả người bán (trả tiền thừa cho người bán) hay số tiền đã ứng trước cho người bán theo chi tiết của từng đối tượng cụ thể.
Ví dụ:
Tài khoản 331 có số dư bên Có:
Doanh nghiệp mua vật liệu nhập kho chưa trả tiền cho công ty A. Trên hóa đơn, giá mua cả thuế giá trị gia tăng 10% là 330.000 đồng.
Nợ TK 152: 300.000
Nợ TK 1331: 30.000
Có TK 331: 330.000
Tài khoản 331 có số dư bên Nợ:
Doanh nghiệp mua một lô hàng, bên cung cấp yêu cầu ứng trước 30.000.000 đồng.
Nợ 331: 30.000.000
Có 112: 30.000.000
2.4. Tài khoản 334 – Phải trả người lao động
Tài khoản 334 phản ánh số lương cần trả cho người lao động
– Tài khoản 334 có số dư bên Có: Các khoản tiền công, tiền lương, tiền thưởng có tính chất lương và một số khoản khác phải trả người lao động.
– Tài khoản 334 có thể có số dư bên Nợ, trường hợp này khá khác biệt, phản ánh số tiền đã trả lớn hơn số tiền phải trả về tiền công, tiền lương, thưởng hay một số khoản khác cho người lao động.
>>> Xem thêm: Hạch toán lương và các khoản trích theo lương tại doanh nghiệp
Ví dụ:
– Tài khoản 3334 có số dư bên Có: Tháng 10/2021 kế toán tính ra số lương phải trả cho người lao động là 20.000.000
Nợ TK 622; 627; 641; 642: 20.000.000
Có TK 3341: 20.000.000
– Tài khoản 334 có số dư bên Nợ: Tháng 11/2021 kế toán chuyển lương cho nhân viên qua ACB nhưng chuyển 25 tiệu đồng, thừa 5 triệu đồng.
Nợ TK 3341: 15.000.000
Có TK 1121: 15.000.000
Lúc này TK 3341 có dư Nợ 5.000.000đ là khoản lương đã chuyển thừa
2.5. Tài khoản 333 – Thuế và các khoản phải nộp nhà nước
– Tài khoản 333 có số dư bên Có thể hiện số phí, thuế, lệ phí cà một số khoản khác còn phải nộp cho ngân sách Nhà nước.
– Một số trường hợp, tài khoản 333 có thể có số dư bên Nợ phản ánh số thuế và một số khoản đã nộp lớn hơn số thuế và khoản đó phải nộp cho Nhà nước. Hoặc phản ánh số thuế đã được giảm, miễn, cho thoái thu nhưng chưa thực hiện thoái thu.
Ví dụ:
– Tài khoản 333 có số dư bên Có: Tháng 10/2021 phải nộp thuế TNCN cho nhà nước là 20.000.000
Nợ TK 3341: 20.000.000
Có TK 3335: 20.000.000
– Tài khoản 333 có số dư bên Nợ:
Ngày 20/9/2021 doanh nghiệp nộp thuế GTGT cho nhà nước là 30 triệu đồng bằng chuyển khoản ngân hàng. Biết tháng 8, số thuế doanh nghiệp phải nộp cho nhà nước là 28 triệu đồng.
Nợ 33311: 30.000.000
Có 1121: 30.000.000
Lúc này, TK 333 sẽ dư nợ 2 triệu đồng là khoản nộp thừa vào ngân sách nhà nước.
Đối với thuế và các khoản phải nộp nhà nước, có không ít trường hợp anh chị gặp khó khăn hay sơ suất dẫn đến tình trạng nộp thừa, nộp nhầm… Các phần mềm kế toán như MISA AMIS, MISA SME đã có các tính năng tự động xác định số thuế phải nộp, tự động lập và nộp tờ khai thuế, nộp thuế ngay trên phần mềm, hỗ trợ kế toán thực hiện các nghiệp vụ thuế một cách đơn giản, chính xác hơn. >> Tìm hiểu thêm tại đây
2.6. Tài khoản 338 – Phải trả khác
– Tài khoản 338 có số dư bên Có thể hiện:
- BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ đã trích chưa nộp cho cơ quan quản lý hoặc kinh phí công đoàn để lại cho đơn vị chưa chi hết.
- Doanh thu chưa thực hiện ở thời điểm cuối kỳ kế toán
- Giá trị tài sản phát hiện thừa còn chờ giải quyết
- Số chênh chênh lệch giá bán cao hơn giá trị hợp lý hoặc giá trị còn lại của tài sản cố định bán và thuê lại chưa kết chuyển.
- Số tiền thu về bán cổ phần thuộc vốn Nhà nước, khoản chênh lệch giữa giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước chuyển thành công ty cổ phần lớn hơn giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp còn phải trả đến cuối kỳ kế toán.
– Tài khoản 338 có thể có số dư bên Nợ phản ánh số tiền đã trả và nộp nhiều hơn số tiền phải trả và nộp hoặc số bảo hiểm xã hội chi trả công nhân viên chưa thanh toán hay kinh phí công đoàn vượt chi chưa được cấp bù.
Ví dụ:
– Tài khoản 338 có số dư bên Có:
Ngày 31/8/2021, trích các khoản BHXH, BHYT, BHTN người lao động phải nộp là 11.000.000
Nợ 3341: 11.000.000
Có 3383: 5.500.000
Có 3384: 3.000.000
Có 3386: 2.500.000
– Tài khoản 338 có số dư bên Nợ:
Cùng doanh nghiệp trên, sang 1/9/2021 số tiền BHXH, BHYT, BHTN doanh nghiệp nộp là 12.000.000 qua ngân hàng.
Nợ 3383: 6.000.000
Nợ 3384: 3.000.000
Nợ 3386: 2.500.000
Có 1121: 12.000.000
Tài khoản 338 lúc này dư nợ 1 triệu đồng phản ánh số tiền bảo hiểm nộp thừa vào ngân sách nhà nước.
2.7. Tài khoản 421 – Lợi nhuận chưa phân phối
– Số dư 421 bên Nợ: Số lỗ hoạt động kinh doanh chưa xử lý.
– Số dư 421 bên Có: Số lợi nhuận sau thuế chưa sử dụng hoặc chưa phân phối.
Số dư bên Có: Số lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hoặc chưa sử dụng.
Ví dụ:
– Tài khoản 421 có số dư bên Nợ:
Năm 2021 doanh nghiệp lỗ 300.000.000 đồng
Nợ 4212: 300.000.000
Có 911: 300.000.000
– Tài khoản 421 số dư bên Có:
Năm 2021 công ty lãi 200.000.000
Nợ 911: 200.000.000
Có 4212:200.000.000
>>> Tìm hiểu về lợi nhuận chưa phân phối theo thông tư 200: Chi tiết cách hạch toán tài khoản 421 – Lợi nhuận chưa phân phối theo thông tư 200
Trong quá trình hạch toán các tài khoản trên, anh/chị kế toán sẽ mất nhiều thời gian nếu làm thủ công, thậm chí dẫn đến các trường hợp như nộp thừa, thiếu hay sai sót các khoản phí… Lúc này, sự hỗ trợ của các phần mềm ví dụ như phần mềm kế toán online MISA AMIS sẽ hỗ trợ tối đa các anh chị kế toán trong nghiệp vụ kế toán nói chung và nghiệp vụ thuế nói riêng, giúp việc nộp các khoản phí, thuế… cho doanh nghiệp nhanh, chính xác và chuyên nghiệp hơn.
Kính mời Quý Doanh nghiệp, Anh/Chị kế toán đăng ký trải nghiệm miễn phí 15 ngày bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS tại đây.