Nhận diện rủi ro về thuế qua phân tích báo cáo tài chính

Báo cáo tài chính (BCTC) phản ánh sự biến động tài sản, nguồn vốn của doanh nghiệp trong kỳ kế toán; là bộ phận quan trọng trong bộ hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp và phản ánh toàn bộ kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Từ bảng cân đối kế toán (BCĐKT) hoặc bảng cân đối phát sinh (BCĐPS) kết hợp với thuyết minh báo cáo tài chính (Thuyết minh BCTC), chúng ta có thể tự rà soát và phát hiện những điểm có rủi ro về thuế; nhận diện những dấu hiệu sai sót, sai phạm trong kê khai thuế của doanh nghiệp mình thông qua phân tích báo cáo tài chính.

MISA AMIS tổng hợp và chia sẻ những “dấu hiệu nhận biết” các rủi ro, sai sót, sai phạm về thuế và các biện pháp xử lý từ việc phân tích báo cáo tài chính hy vọng hỗ trợ tốt công việc của các bạn kế toán.

Hình 1: Nhận diện dấu hiệu rủi ro về thuế trên Báo cáo tài chính

1. Rủi ro về thuế của các chỉ tiêu tài sản trên Bảng cân đối kế toán

1.1 Chỉ tiêu Thanh toán với người mua

Trường hợp tài khoản 131 có số dư Có: kiểm tra Thuyết minh Báo cáo tài chính để xác định cụ thể khách hàng nào đã ứng trước tiền, nội dung ứng trước tiền hàng, căn cứ theo hợp đồng kinh tế nào, đã có biên bản đối chiếu công nợ đã được ký xác nhận bởi 2 bên hay chưa và thời điểm phát sinh doanh thu vào thời điểm nào.

Trường hợp tài khoản 131 có số dư Nợ: kiểm tra lại thời điểm phát sinh doanh thu, biên bản xác nhận công nợ, hợp đồng có quy định về điều khoản trả chậm hay không?

Rủi ro doanh nghiệp có thể mắc phải: 

  • Khai thiếu doanh thu tính thuế, đặc biệt là hoạt động dịch vụ;
  • Khai thiếu thu nhập (người mua ứng trước tiền hàng nhưng sau đó không mua hàng – vi phạm hợp đồng, khoản nợ phải trả không xác định được chủ nợ)

Hồ sơ cần chuẩn bị và kiểm tra lại:

  • Hợp đồng kinh tế: có điều khoản quy định về khoản tạm ứng, đặt cọc trước tiền hàng, dịch vụ;
  • Biên bản đối chiếu công nợ;
  • Nếu quá thời hạn mà chưa hoàn ứng, hoàn trả lại tiền cọc như quy định trong hợp đồng thì cần làm phụ lục gia hạn.

Hiện nay, một số phần mềm kế toán như phần mềm kế toán online MISA AMIS có tính năng kiểm tra, đối chiếu chứng từ, sổ sách nhằm giúp kế toán phát hiện ra các dấu hiệu sai sót:

  • Tự động phát hiện sai lệch trên chứng từ, sổ sách, báo cáo
  • Hướng dẫn cách xử lý các trường hợp sai lệch theo đúng quy định
  • Tự động kiểm tra đối chiếu các chỉ tiêu trên BCTC với Thuyết minh BCTC để phát hiện các chỉ tiêu có số liệu tổng hợp và chi tiết không khớp số
  • Gợi ý những sai sót thường gặp trên báo cáo tài chính để kế toán chủ động kiểm tra, khắc phục (nếu có)

Hình 2: Mẫu giải trình Dư Có TK 131 cơ quan thuế yêu cầu giải trình

1.2 Dự phòng tổn thất tài sản

Trường hợp tài khoản 229 dư Có: chúng ta cần xem lại các nội dung sau đây:

Số đầu kỳ, số dư cuối kỳ, số đã trích lập thêm hoặc số đã hoàn nhập giảm chi phí.

Đối với khoản dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh: Bản phân tích báo cáo các thông tin: số lượng từng loại chứng khoán (khoản đầu tư phải đúng pháp luật), giá chứng khoán trên sổ sách kế toán và giá chứng khoán theo thị trường. Từ đó, chúng ta nhìn nhận lại khoản trích lập, hay hoàn nhập đã phù hợp hay chưa.

Dự phòng nợ phải thu khó đòi: cần chuẩn bị hồ sơ trích lập bao gồm: bản tổng hợp các khoản nợ phải thu theo từng tuổi nợ, kèm theo khế ước vay tiền, hợp đồng kinh tế, thanh lý hợp đồng, đối chiếu xác nhận công nợ, hoặc bằng chứng bên phải thu lâm vào tình trạng phá sản, hoặc đang làm thủ tục giải thể, mất tích, bỏ trốn…

Dự phòng giảm giá hàng tồn kho: chúng ta xem lại hồ sơ và tự đánh giá lại các rủi ro sau:

So sánh lại giá trị trên sổ kế toán từng loại hàng tồn kho và giá trị thuần có thể thực hiện được. Từ đó, đánh giá tính phù hợp của việc trích và hoàn nhập.

Xem xét trường hợp hàng đã được ký hợp đồng tiêu thụ nhưng chưa giao hàng: không được trích lập dự phòng với số hàng này.

Rủi ro doanh nghiệp có thể mắc phải: 

  • Trích lập dự phòng không phù hợp, không hoàn nhập;
  • Khi tổn thất xảy ra, chúng ta có thể mắc sai sót là không sử dụng nguồn dự phòng đã trích lập mà lại tiếp tục ghi nhận chi phí;
  • Hồ sơ trích lập dự phòng chưa đầy đủ…

Hồ sơ cần chuẩn bị và kiểm tra lại: bộ hồ sơ trích lập dự phòng của các năm chuẩn bị quyết toán và của năm tài chính kề trước.

1.3 Các khoản phải thu khác

Tài khoản 138 phát sinh số dư Nợ: chúng ta cần kiểm tra nội dung cụ thể trên Thuyết minh BCTC và rà soát xem có các nghiệp vụ cho vay mượn tiền không lãi suất hay không, để tránh rủi ro kê khai thiếu doanh thu tài chính vào thu nhập chịu thuế TNDN hoặc rủi ro bị loại chi phí lãi vay tương ứng không phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh;

Tài sản thiếu, mất chờ xử lý để xác định nguyên nhân: chúng ta cần chuẩn bị và kiểm tra lại hồ sơ vì cơ quan thuế đánh giá đây là rủi ro về thuế GTGT.

1.4 Tăng, giảm tài sản cố định (TSCĐ)

Trường hợp phát sinh tăng, giảm TSCĐ thì chúng ta cần xem xét lại các nội dung sau đây:

Nguyên giá được xác định có phù hợp hay không và tài sản cố định tăng có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hay không?

Nếu TSCĐ tăng do đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) hoàn thành, bàn giao thì căn cứ vào kết quả thanh kiểm tra các năm trước và năm nay có liên quan đến chi phí XDCB hay không để xác định rủi ro.

Trường hợp có phát sinh giảm nguyên giá TSCĐ trên BCĐKT thì chúng ta cần rà soát lại xem TSCĐ giảm do nguyên nhân nào, việc thanh lý, nhượng bán TSCĐ có hạch toán đúng quy định hay không…

Hồ sơ cần chuẩn bị và kiểm tra lại: hồ sơ của tất cả TSCĐ tăng/giảm trong năm.

1.5 Hao mòn tài sản cố định (TK 214)

Phân tích hồ sơ qua TK 214 có trích khấu hao TSCĐ, chúng ta cần kiểm tra lại các vấn đề sau:

Nếu áp dụng phương pháp khấu hao theo đường thẳng, chúng ta xác định thời gian khấu hao bình quân cho từng loại TSCĐ (theo phân loại như quy định tại TT 45/2019/TT-BTC).

Thời gian khấu hao bình quân = Nguyên giá (trung bình cộng)
Giá trị hao mòn

Đồng thời, so sánh với thời gian khấu hao tối thiểu theo quy định để ước lượng mức khấu hao đã được trích có phù hợp hay không.

Trường hợp doanh nghiệp không áp dụng phương pháp khấu hao theo đường thẳng (xem thông tin tại Thuyết minh BCTC) thì tùy trường hợp chúng ta căn cứ vào Thuyết minh BCTC xem xét từng loại TSCĐ, so sánh với mức quy định để xác định khấu hao đã trích có phù hợp với quy định hay không.

Một số TSCĐ điển hình doanh nghiệp cần rà soát lại việc trích khấu hao có đúng quy định hay chưa:

  • TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất lâu dài;
  • Công trình, nhà xây dựng trên đất không thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp;
  • Xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống, tàu bay dân dụng và du thuyền không sử dụng cho mục đích kinh doanh có nguyên giá vượt trên 1.6 tỷ đồng…

2. Các chỉ tiêu phản ánh bên Nguồn vốn trên Bảng cân đối kế toán

2.1 Số dư có tài khoản 331

Dư Có tài khoản 331 qua các năm: kế toán phải có đầy đủ hồ sơ chứng minh được sự hiện hữu của nó, như hợp đồng kinh tế, đối chiếu công nợ bằng văn bản, bằng email, vv… Trong trường hợp không có đối chiếu công nợ, doanh nghiệp cần xem xét lại nghĩa vụ nợ đối với khoản nợ đó.

Một số trường hợp, đoàn thanh tra kiểm tra thuế có thể buộc doanh nghiệp ghi nhận vào 711 – Thu nhập khác, bởi doanh nghiệp không giải trình được số dư. Từ đó, cơ quan thuế truy thu thuế TNDN, phạt chậm nộp và phạt thuế.

Hình 3: Mẫu giải trình số dư Có TK 331

2.2 Trích quỹ tiền lương (dư Có TK 334)

Tài khoản 334 có số dư Có thì chúng ta cần xem xét các nội dung sau đây, để tránh rủi ro về thuế và đầy đủ thông tin giải trình khi cơ quan thuế yêu cầu:

Số thực chi tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp phải trả người lao động từ ngày 01 tháng 01 năm sau liền kề đến ngày cuối cùng phải nộp hồ sơ quyết toán thuế năm đó (thông thường là ngày 30/03), không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế.

Trường hợp năm trước doanh nghiệp có trích lập quỹ dự phòng tiền lương mà trong vòng 6 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính doanh nghiệp chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết thì chúng ta phải tính giảm chi phí của năm sau.

Doanh nghiệp báo cáo lỗ thì không được trích quỹ dự phòng tiền lương.

Doanh nghiệp rà soát lại đã tính đúng và đủ các khoản thu nhập chịu thuế của người lao động hay chưa bằng cách đối chiếu, giải trình chênh lệch số liệu chỉ tiêu “Thu nhập chịu thuế” trên QTT TNCN và số phát sinh Nợ TK 334.

Một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chênh lệch: các khoản miễn thuế, các khoản không chịu thuế, …

Hình 4: Mẫu giải trình số liệu chênh lệch tiền lương tham khảo

Hồ sơ cần chuẩn bị và kiểm tra lại: chứng từ thanh toán tiền lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp cho NLĐ của phần dư Có tài khoản 334.

2.3 Chi phí trích trước tiền lương

Số phát sinh tài khoản 335 dư Có, chúng ta cần xem xét lại các nội dung sau:

  • Nội dung trích trước là gì; hồ sơ, chứng từ kèm theo đã đầy đủ chưa;
  • Chi phí trả trước theo kỳ hạn mà đến hạn chưa chi trả hoặc chi trả không hết; chi phí trích trước không phù hợp với doanh thu ghi nhận trong năm…

Trên cơ sở đó, chúng ta đánh giá lại việc trích và hoàn nhập đã đúng với quy định hay chưa?

Rủi ro doanh nghiệp có thể mắc phải: trích không phù hợp, không hoàn nhập; chi phí phát sinh nhưng không có chứng từ đúng quy định.

Hồ sơ cần chuẩn bị và kiểm tra lại: toàn bộ hồ sơ trích trước và chứng từ hoàn nhập.

2.4 Thanh toán theo tiến độ trong hợp đồng xây dựng (TK 337)

Số phát sinh tài khoản 337 dư Có, doanh nghiệp cần kiểm tra lại các nội dung sau:

Công trình, hạng mục nào đã hoàn thành và khối lượng công việc nào nghiệm thu hoặc đã xác định doanh thu tính thuế…

Trên cơ sở đó xác định xem doanh nghiệp đã khai doanh thu tính thuế TNDN đầy đủ hay chưa.

Rủi ro doanh nghiệp có thể mắc phải: khai thiếu doanh thu tính thuế; và/hoặc lập hóa đơn GTGT không đúng thời điểm quy định.

2.5 Trích kinh phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (Dư có TK 3382, 3383, 3384, 3386)

Số phát sinh các tài khoản trên Dư Có, chúng ta cần xem lại mức trích có đúng quy định hiện hành hay chưa? Đồng thời đối chiếu với dữ liệu của cơ quan bảo hiểm (tờ C12 – Thông báo bảo hiểm). Trên cơ sở đó đánh giá việc trích và hoàn nhập có đã phù hợp với quy định không.

Khi thực hiện quyết toán thuế, cơ quan thuế sẽ yêu cầu lập bản giải trình các nội dung như mẫu dưới đây. Chúng ta cần chủ động làm vừa nhằm mục đích rà soát số liệu khi lập báo cáo tài chính, đồng thời phục vụ cho cuộc quyết toán thuế sau này.

Rủi ro doanh nghiệp có thể mắc phải: trích lập không đúng quy định dẫn đến ghi nhận chi phí nhiều hơn.

Hình 5: Mẫu giải trình tình hình trích nộp BHXH – KPCĐ

>>> Tải các mẫu biểu tại đây

2.6 Doanh thu chưa thực hiện (TK 3387)

Phát sinh tài khoản 3387 dư Có, chúng ta cần xem xét doanh thu chưa thực hiện có đúng với quy định của pháp luật kế toán và thuế TNDN hay không. Từ đó, rà soát xem chúng ta đã kê khai doanh thu tính thuế đầy đủ chưa.

Rủi ro doanh nghiệp có thể mắc phải: Khai thiếu doanh thu tính thuế GTGT; hoặc trích trước chi phí không tương ứng với doanh thu; xác định ưu đãi thuế TNDN một lần trong trường hợp kê khai doanh thu tính thuế TNDN theo số tiền nhận trước.

2.7 Các khoản phải trả khác (Dư Có TK 3388)

Khi tài khoản 3388 có số dư Có, chúng ta cần xem xét nội dung kinh tế của nó là gì. Các phát sinh có liên quan đến doanh thu tính thuế hay chi phí được trừ hay không.

Trong trường hợp có vay mượn cá nhân, chúng ta cần đặc biệt lưu ý đến lãi suất vay. Mức lãi suất không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tại thời điểm vay.

2.8 D.8 Ngân hàng nhà nước công bố tại thời đi trình xây lắp (Dư Có TK 352)

Tài khoản 352 dư Có, doanh nghiệp cần rà soát lại hồ sơ và kiểm tra những nội dung sau:

  • Chi tiết những sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp mà doanh nghiệp thực hiện và đã bàn giao trong niên độ có cam kết bảo hành, kèm theo hồ sơ chứng minh việc cam kết bảo hành.
  • Mức trích lập cho từng loại hàng hóa, sản phẩm, công trình xây lắp.
  • Thời hạn bảo hành cho từng sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp đã trích các niên độ trước, số thực chi, số dư còn lại…

Từ đó, đánh giá việc trích và hoàn nhập có đúng quy định hay không hoặc đã hết thời hạn bảo hành nhưng vẫn còn số dư và chưa hoàn nhập.

Rủi ro doanh nghiệp có thể mắc phải: trích và hoàn nhập không đúng quy định, hoặc thực chi không dùng nguồn đã trích lập để sử dụng.

2.9 Số phát sinh tài khoản 511 chênh lệch so với tổng doanh thu trên tờ khai thuế GTGT 12 tháng/4 quý hoặc số phát sinh TK 155/156 chênh lệch với TK 632

Số phát sinh có TK 511 chênh lệch so với tổng doanh thu tờ khai thuế GTGT 12 tháng/4 quý, doanh nghiệp cần rà soát lại các nội dung sau:

  • Các khoản giảm trừ doanh thu;
  • Các khoản doanh thu của chi nhánh hạch toán phụ thuộc…

Trường hợp số phát sinh Có TK 155/156 nhỏ hơn TK 632, doanh nghiệp cần xem xét lại các khoản hạch toán vào TK 632 và khoản trích lập dự phòng có đúng quy định hay không.

Trường hợp số phát sinh Có TK 155/156 lớn hơn TK 632, chúng ta cần xem lại hàng hóa, thành phẩm xuất kho dùng để làm gì, nếu biếu tặng thì có đáp ứng đúng quy định của thuế hay không?

Hình 6: Những thông tin cơ bản Cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp giải trình

2.10 Số phát sinh Có TK 711 phát sinh lớn

Trường hợp số phát sinh Có TK 711 phát sinh lớn thì chúng ta cần xem lại các nội dung sau:

  • Các khoản thu hỗ trợ (nếu có) có thuộc doanh thu chịu thuế GTGT hay không, có lập hóa đơn và kê khai thuế GTGT chưa?
  • Các khoản thanh lý tài sản, phế liệu, phế phẩm thuộc doanh thu chịu thuế GTGT không, đã lập hóa đơn kê khai thuế GTGT chưa?

Lưu ý: trường hợp này, chúng ta kết hợp với mục 2.9 số phát sinh tài khoản 511 chênh lệch so với tổng doanh thu tờ khai thuế GTGT 12 tháng/4 quý để phân tích.

3. Phân tích giá vốn

Tỷ lệ giá vốn hàng bán trên doanh thu phải phù hợp với tình hình kinh doanh. Đối với doanh nghiệp thương mại, tỷ lệ này thường tối đa là 80%. Với các loại hình doanh nghiệp khác, tỷ lệ này sẽ thấp hơn.

Khi giá vốn hàng bán lớn hơn doanh thu, doanh nghiệp có rủi ro bị cơ quan thuế ấn định giá trên cơ sở giao dịch thông thường trên thị trường. Trường hợp doanh nghiệp có doanh thu lớn, giá vốn cao, đồng thời lỗ kéo dài nhiều năm liên tiếp, cơ quan thuế thường nghi ngờ doanh nghiệp có hành vi gian lận, trốn thuế.

Hình 7: Kiểm tra giá vốn hàng bán

Một số thao tác kiểm tra giá vốn chúng ta có thể áp dụng để rà soát rủi ro về thuế như sau:

  • Lập bảng phân tích doanh thu – giá vốn theo khách hàng và mặt hàng
Hình 8: Bảng tính lợi nhuận gộp theo theo hóa đơn, theo mã hàng

Chúng ta cần đặc biệt tập trung vào các mã khách hàng có lãi gộp âm (bán hàng dưới giá vốn) để xem xét, tìm ra nguyên nhân vì sao, bởi chắc chắn cơ quan thuế sẽ đánh giá đây là rủi ro và yêu cầu doanh nghiệp giải trình.

  • Lập bảng phân tích giá bán, giá vốn cho từng mặt hàng

Căn cứ vào dữ liệu báo cáo bán hàng theo hóa đơn, chúng ta xử lý dữ liệu và lập ra bảng dữ liệu doanh thu-giá vốn cho từng mã hàng để nhận diện và đánh giá rủi ro. Những mã hàng có doanh thu trong kỳ lớn, có nhiều mức giá bán và mức giá vốn là những điểm rủi ro về thuế, doanh nghiệp cần lường trước và có lý lẽ phù hợp khi cơ quan thuế yêu cầu giải trình.

Căn cứ vào các dữ liệu phân tích trên, chúng ta rà soát các vấn đề sau theo nguyên tắc chú trọng đến các khách hàng, mặt hàng phát sinh doanh thu từ cao đến thấp:

    • Có bán hàng dưới giá vốn hay không. Nếu có, chúng ta có đầy đủ hồ sơ chứng minh sự phù hợp của giá bán, như hàng quá date, hàng hỏng, hàng lỗi kỹ thuật, hàng lỗi mốt cần giải phóng…
    • Một mặt hàng được bán ra với bao nhiêu mức giá. Sự khác nhau về giá của một mặt hàng giữa các khách hàng khác nhau là do chiết khấu thương mại, do đối tượng khách hàng khác nhau (khách buôn/khách lẻ) hay chương trình khuyến mại giảm giá hàng bán…
    • Nếu do áp dụng khuyến mại thì đã đăng ký chương trình khuyến mại theo quy định hay chưa.

Để làm báo cáo tài chính quyết toán đúng, khâu kiểm tra số liệu rất quan trọng. Nếu số liệu sai, các chỉ tiêu trên báo cáo không những không phản ánh chân thực tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn tiềm ẩn rất nhiều các rủi ro về Thuế.

Kiểm tra và phát hiện rủi ro về thuế khi rà soát báo cáo tài chính qua một số kỹ thuật đọc và phân tích báo cáo tài chính cơ bản được trình bày ở trên là kỹ năng quan trọng của kế toán để lường trước các vấn đề phục vụ cho quyết toán thuế.

Thông qua bài viết này, MISA AMIS hy vọng đã mang lại những thông tin hữu ích cho các bạn độc giả giúp các bạn áp dụng tốt trong công việc rà soát số liệu trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp mình. Chúc các bạn thành công!                                                        

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *