Hướng dẫn cách đọc Báo cáo kết quả kinh doanh: Đơn giản, dễ hiểu

Bài viết mong muốn trình bày cách đọc báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp một cách đơn giản và hiệu quả nhất.

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là một trong những báo cáo quan trọng của doanh nghiệp. Đây là cơ sở để nhà quản trị đưa ra những quyết định chiến lược. Do đó, việc đọc được báo cáo này là một yêu cầu cần thiết đối với nhà quản trị.

 

Hình 1: Báo cáo kết quả kinh doanh cung cấp thông tin quan trọng cho nhà quản trị
Hình 1: Báo cáo kết quả kinh doanh cung cấp thông tin quan trọng cho nhà quản trị

Để giúp nhà quản trị có thể đưa ra những quyết định đúng đắn, hạn chế tối đa rủi ro cho doanh nghiệp, bài viết mong muốn trình bày cách đọc báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp một cách đơn giản và hiệu quả nhất.

Tầm quan trọng của Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh đối với nhà quản trị

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (còn được gọi tắt là Báo cáo kết quả kinh doanh) cung cấp thông tin về doanh thu, chi phí và lợi nhuận trong một kỳ hoạt động của doanh nghiệp. Báo cáo kết quả kinh doanh giúp nhà quản trị nắm bắt được kết quả kinh doanh (lãi/ lỗ) trong kỳ báo cáo, có thể nhìn nhận được thực trạng doanh thu, chi phí của doanh nghiệp, đồng thời dự báo được xu hướng tương lai để đưa ra những điều chỉnh hợp lý và kịp thời.

Căn cứ theo Luật kế toán số 88/2015/QH13 ngày 22/11/2015, Báo cáo tài chính năm bao gồm 04 báo cáo sau: Báo cáo tình hình tài chính, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền và Bản thuyết minh Báo cáo tài chính.

Hằng năm, Doanh nghiệp có trách nhiệm lập Báo cáo tài chính vào cuối kỳ kế toán năm và nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm theo quy định của pháp luật. Đối với các doanh nghiệp lớn, công ty cổ phần đại chúng, Báo cáo tài chính, Báo cáo kết quả kinh doanh bắt buộc phải được lập theo quý để công khai minh bạch thông tin trên thị trường.

Do đó, đối với một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhà quản trị cần trang bị kiến thức về lĩnh vực tài chính kế toán, đặc biệt là việc đọc Báo cáo tài chính năm. Điều này nhằm giúp cho nhà quản trị có thể kiểm tra được các thông tin kế toán trước khi ký nộp hồ sơ quyết toán cho cơ quan nhà nước, đồng thời giúp nhà quản trị nắm bắt được tình hình tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong kỳ báo cáo.

Cần làm gì để đọc Báo cáo kết quả kinh doanh doanh nghiệp?

Thứ nhấtNắm được kết cấu của Báo cáo kết quả kinh doanh gồm 3 phần:

  • Phần 1: Kết quả từ hoạt động kinh doanh chính.
  • Phần 2: Kết quả từ hoạt động tài chính.
  • Phần 3: Kết quả từ hoạt động khác.
Hình 2: Kết cấu Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
Hình 2: Kết cấu Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Thứ hai: Nhà quản trị cần phải hiểu được nội dung và ý nghĩa của các chỉ tiêu trình bày trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.

Thứ ba: So sánh, phân tích, đánh giá các chỉ tiêu quan trọng trên Báo cáo và đưa ra các nhận định, quyết định cũng như dự báo xu hướng tương lai.

Nội dung và ý nghĩa của các chỉ tiêu trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

  • Mẫu báo cáo Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh  (Mẫu số: B02-DN ban hành theo thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính)
Hình 3: Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2020 (số liệu giả định)
Hình 3: Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2020 (số liệu giả định)

Nội dung và ý nghĩa của các chỉ tiêu trên Báo cáo kết quả kinh doanh

STT Chỉ tiêu Mã số Nội dung
1 Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 01 Phản ánh tổng doanh thu bán hàng hóa, thành phẩm, doanh thu cung cấp dịch vụ và doanh thu khác trong kỳ báo cáo.
2 Các khoản giảm trừ doanh thu 02 Phản ánh các khoản được ghi giảm trừ vào tổng doanh thu, bao gồm các khoản chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại trong kỳ báo cáo.
3 Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ 10 Phản ánh doanh thu bán hàng hóa, thành phẩm, doanh thu cung cấp dịch vụ và doanh thu khác đã trừ các khoản giảm trừ trong kỳ báo cáo.
4 Giá vốn hàng bán 11 Phản ánh tổng giá vốn của hàng hóa, giá thành sản xuất của thành phẩm đã bánchi phí trực tiếp của khối lượng dịch vụ hoàn thành đã cung cấp trong kỳ báo cáo.
5 Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ 20 Phản ánh số chênh lệch giữa doanh thu thuần về bán hàng hoá, thành phẩm và cung cấp dịch vụ với giá vốn hàng bán phát sinh trong kỳ báo cáo.
6 Doanh thu hoạt động tài chính 21 Phản ánh doanh thu hoạt động tài chính thuần phát sinh trong kỳ báo cáo.
7 Chi phí tài chính 22 Phản ánh tổng chi phí tài chính, gồm tiền lãi vay phải trả, chi phí góp vốn liên doanh, liên kết,… phát sinh trong kỳ báo cáo.
Chi phí lãi vay 23 Phản ánh chi phí lãi vay phải trả được tính vào chi phí tài chính trong kỳ báo cáo.
8 Chi phí bán hàng 25 Phản ánh tổng chi phí bán hàng hóa, thành phẩm đã bán, dịch vụ đã cung cấp phát sinh trong kỳ báo cáo.
9 Chi phí quản lý doanh nghiệp 26 Phản ánh tổng chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh trong kỳ báo cáo.
10 Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 30 Phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong kỳ báo cáo.
11 Thu nhập khác 31 Phản ánh các khoản thu nhập khác, phát sinh trong kỳ báo cáo.
12 Chi phí khác 32 Phản ánh tổng các khoản chi phí khác phát sinh trong kỳ báo cáo.
13 Lợi nhuận khác 40 Phản ánh số chênh lệch giữa thu nhập khác với chi phí khác phát sinh trong kỳ báo cáo.
14 Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế 50 Phản ánh tổng số lợi nhuận kế toán thực hiện trước khi trừ chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ báo cáo.
15 Chi phí thuế TNDN hiện hành 51 Phản ánh chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành phát sinh trong kỳ báo cáo.
16 Chi phí thuế TNDN hoãn lại 52 Phản ánh chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại hoặc thu nhập thuế thu nhập hoãn lại phát sinh trong kỳ báo cáo.
17 Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp 60 Phản ánh tổng số lợi nhuận thuần (hoặc lỗ) sau thuế từ các hoạt động (sau khi trừ chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp) phát sinh trong kỳ báo cáo.
18* Lãi cơ bản trên cổ phiếu 70 Phản ánh lãi cơ bản trên cổ phiếu, chưa tính đến các công cụ được phát hành trong tương lai có khả năng pha loãng giá trị cổ phiếu.
19* Lãi suy giảm trên cổ phiếu 71 Phản ánh lãi suy giảm trên cổ phiếu, có tính đến sự tác động của các công cụ trong tương lai có thể được chuyển đổi thành cổ phiếu và pha loãng giá trị cổ phiếu.

(*Chỉ áp dụng tại công ty cổ phần)

Đối với mỗi doanh nghiệp, nhà quản trị cần hiểu nội dung, ý nghĩa của các chỉ tiêu để có thể nắm bắt sơ bộ từng chỉ tiêu trên Báo cáo kết quả kinh doanh đang thể hiện các thông tin gì của doanh nghiệp.

Đánh giá các chỉ tiêu trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Bước 1: Đọc thông tin các chỉ tiêu

Khi đọc bảng Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh từ phòng kế toán trình lên, nhà quản trị cần xem xét các chỉ tiêu quan trọng nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Đầu tiên là chỉ tiêu Lợi nhuận sau thuế Thu nhập doanh nghiệp (Mã số 60) để trả lời ngay câu hỏi kỳ này doanh nghiệp lãi/lỗ, số tiền là bao nhiêu.

Sau đó đến chỉ tiêu Chi phí thuế Thu nhập doanh nghiệp hiện hành (Mã số 51) để xem trong kỳ doanh nghiệp phát sinh bao nhiêu tiền thuế phải nộp trong trường hợp Giám đốc/Chủ doanh nghiệp đang xem Báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cuối năm tài chính.

Đây là chỉ tiêu phản ánh chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tính trên thu nhập chịu thuế trong năm theo thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành. Qua chỉ tiêu này, nhà quản trị sẽ biết được được nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp đối với Nhà nước để thực hiện nghĩa vụ theo đúng quy định của pháp luật.

Tiếp theo, chúng ta xem tiếp các chỉ tiêu về Doanh thu, chi phí từ đó xác định lợi nhuận của từng hoạt động. Trong đó, chú trọng tới doanh thu, chi phí và lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính.

(Lưu ý: Nhà quản trị nên nhìn lại chỉ tiêu kỳ báo cáo để chắc chắn mình đang xem báo cáo đúng kỳ mong muốn.)

Bước 2: Đánh giá các chỉ tiêu (xác định kết quả kinh doanh và đánh giá sơ bộ)

Dựa vào ví dụ tại hình 3 ở trên về Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2020, nhà quản trị có thể đọc các chỉ tiêu và nắm được kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được chia thành 3 phần, bao gồm:

+ Kết quả từ hoạt động kinh doanh chính;

+ Kết quả hoạt động tài chính;

+ Kết quả hoạt động khác. 

Kết quả hoạt động kinh doanh được xác định theo công thức tính như sau:

Kết quả hoạt động kinh doanh (lãi/lỗ) = Doanh thu – Chi phí

Cụ thể:

Xác định kết quả kinh doanh từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính

STT Chỉ tiêu Mã số Năm nay Năm trước
1 Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 01 1.200.000.000 1.000.000.000
2 Các khoản giảm trừ doanh thu 02 0 0
3 Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ (10 = 01 – 02) 10 1.200.000.000 1.000.000.000
4 Giá vốn hàng bán 11 800.000.000 600.000.000
5 Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ (20 = 10 – 11) 20 400.000.000 400.000.000
6 Chi phí bán hàng 25 120.000.000 100.000.000
7 Chi phí quản lý doanh nghiệp 26 214.000.000 200.000.000
8 Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chính {30a = 20 – (25 + 26)} 30a 66.000.000 100.000.000

Đánh giá sơ bộ: Kết quả hoạt động kinh doanh chính năm 2020 lãi 66 triệu đồng, giảm 34% so với năm 2019 (lãi 100 triệu đồng).

Chi tiết hơn nữa, nhà quản trị có thể phân tích sâu hơn cơ cấu, tỷ trọng và sự biến động của các chỉ tiêu doanh thu, chi phí để nhìn ra được nguyên nhân doanh thu tăng nhưng tỷ lệ tăng chi phí ở đâu cao hơn dẫn đến tổng kết quả kinh doanh trong kỳ giảm.

Đối với các doanh nghiệp đã xây dựng được kế hoạch, định mức các chỉ tiêu về doanh thu, chi phí thì số liệu trên Báo cáo kết quả kinh doanh nên được so sánh với các số dự toán hoặc định mức để đánh giá kết quả công tác quản trị doanh thu, chi phí trong kỳ.

Lưu ý: Chỉ tiêu 30 – Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, đã bao gồm lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chính và hoạt động tài chính. Do đó, giả định trong ví dụ này, chúng ta tách chỉ tiêu 30 thành 02 chỉ tiêu như sau:

  • Chỉ tiêu 30a: Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chính.
  • Chỉ tiêu 30b: Lợi nhuận thuần từ hoạt động tài chính.

Đọc kết quả kinh doanh từ hoạt động tài chính

STT Chỉ tiêu Mã số Năm nay Năm trước
1 Doanh thu hoạt động tài chính 21 4..000.000 5.000.000
2 Chi phí tài chính 22 30.000.000 50.000.000
3 Lợi nhuận thuần từ hoạt động tài chính (30b = 21 – 22) 30b -26.000.000 -45.000.000

Đánh giá sơ bộ: Kết quả hoạt động kinh doanh tài chính năm 2020 là lỗ 26 triệu đồng, giảm 42% so với năm 2019 (lỗ 45 triệu đồng). Nguyên nhân chính do trong năm nay, chi phí tài chính của doanh nghiệp giảm đáng kể (giảm hai mươi triệu đồng).

Thông thường, với các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp vừa và nhỏ…không có phát sinh các hoạt động đầu tư, doanh thu hoạt động tài chính chỉ bao gồm lãi các khoản tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi thanh toán, tiền cho cá nhân, tổ chức vay…
Tương tự, chi phí hoạt động tài chính thường chỉ bao gồm các chi phí về lãi vay, lỗ tỷ giá,…

Đọc kết quả kinh doanh từ hoạt động khác

STT Chỉ tiêu Mã số Năm nay Năm trước
1 Thu nhập khác 31 0 200.000.000
2 Chi phí khác 32 0 185.000.000
3 Lợi nhuận khác (10 = 31 – 32) 40 0 15.000.000

Đánh giá sơ bộ: Hoạt động khác năm 2020 không phát sinh, lợi nhuận khác năm 2020 là 0 đồng, giảm với năm 2019 (lãi 15 triệu đồng).

Đọc kết quả tổng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

STT Chỉ tiêu Mã số Năm nay Năm trước
1 Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chính 30a 66.000.000 100.000.000
2 Lợi nhuận thuần từ hoạt động tài chính 30b -26.000.000 -45.000.000
3 Lợi nhuận thuần khác 40 0 15.000.000
4 Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế (50 = 30a + 30b + 40) 50 40.000.000 70.000.000

Đánh giá tổng quát: Kết quả hoạt động kinh doanh tổng 03 hoạt động của doanh nghiệp năm 2020 lãi 40 triệu đồng, giảm 33% so với năm 2019 (lãi 70 triệu đồng).

Đối với các doanh nghiệp nhỏ, các số liệu Báo cáo lợi nhuận thuần từ hoạt động tài chính và lợi nhuận thuần khác thường nhỏ. Tuy nhiên với các doanh nghiệp vừa và lớn, giá trị lợi nhuận thuần từ hoạt động tài chính và lợi nhuận thuần khác có thể chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Lúc này, nhà quản trị cần phải xem xét, đánh giá tỷ trọng từng thành phần cấu thành nên lợi nhuận và có những phân tích, nhìn nhận, đánh giá chuyên sâu hơn. Lợi nhuận đến từ hoạt động kinh doanh chính là lợi nhuận bền vững của doanh nghiệp. Nếu tổng lợi nhuận trong năm của doanh nghiệp cao, đạt hoặc vượt kế hoạch nhưng nguồn lợi nhuận lại không đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính mà đến từ hoạt động đầu tư tài chính hoặc hoạt động khác thì đây cũng là một dấu hỏi doanh nghiệp cần tiếp tục giải đáp.

Bước 3: Phân tích các chỉ tiêu, đọc Báo cáo kết quả kinh doanh cùng với Bảng tổng hợp phân tích doanh thu, chi phí và các Báo cáo khác.

Sau khi đã xác định được số liệu kết quả kinh doanh của từng hoạt động và có đánh giá sơ bộ, khái quát ban đầu, nhà quản trị kết hợp với các Báo cáo tổng hợp phân tích chuyên sâu, chi tiết hơn về doanh thu, từng loại chi phí  hoạt động; kết hợp việc phân tích các chỉ tiêu hiệu quả (kế hoạch – thực hiện), tỷ trọng các loại chi phí so với doanh thu, sự biến động của chi phí, doanh thu theo chiều thời gian (so sánh năm nay với năm trước, kỳ này với kỳ trước)… nhà quản trị sẽ nắm bắt được tình hình kinh doanh thực tế của doanh nghiệp và có những quyết định quản trị kịp thời, đúng đắn.

Bên cạnh đó, từ việc đọc phân tích các chỉ tiêu doanh thu, chi phí và lợi nhuận của từng hoạt động nhà quản trị có thể dự báo được xu hướng biến động của doanh thu, chi phí cũng như các hoạt động của doanh nghiệp.

Tổng kết

Nhà quản trị là người chịu trách đưa ra những quyết định quan trọng cho doanh nghiệp. Đọc được Báo cáo kết quả kinh doanh cùng với các Báo cáo tài chính, kế toán khác (Ví dụ Báo cáo tình hình tài chính – Bảng cân đối kế toán, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, Bản thuyết minh báo cáo tài chính…) sẽ giúp cho nhà quản trị có cái nhìn đầy đủ hơn bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp.

Qua những nội dung trên của bài viết, MISA AMIS hi vọng mang đến cho nhà quản trị những kiến thức hữu ích, giúp nhà quản trị có thể đọc, hiểu tốt hơn về Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Để giúp giải phóng nhân lực, giảm thiểu khối lượng công việc cho người làm kế toán, MISA đã phát triển phần mềm kế toán online MISA AMIS với lợi ích vượt trội:

  • Tự động hạch toán từ Hóa đơn, Bảng kê ngân hàng… tiết kiệm tối đa thời gian nhập liệu.
  • Đầy đủ các phần hành công nợ, tiền lương, nghiệp vụ kho…Tự động tổng hợp báo cáo thuế, báo cáo tài chính, tự động đối chiếu phát hiện sai sót.
  • Kết nối: Tổng cục thuế, Hệ thống quản trị nhân sự, bán hàng, Ngân hàng, Hóa đơn điện tử, Chữ ký số, Phần mềm bán hàng… tạo thành hệ sinh thái xử lý dữ liệu nhanh, tiện lợi.
  • Truy cập làm việc mọi lúc mọi nơi qua Internet, giải quyết bài toán làm việc tại nhà khi có dịch.

Tham khảo ngay phần mềm kế toán online MISA AMIS để gấp đôi hiệu quả công tác kế toán-tài chính trong doanh nghiệp và đáp ứng các xu hướng làm việc mới.

CTA nhận tư vấn

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *