Doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh cần lưu ý những gì?
Với tình hình tài chính không khả quan và không thể duy trì được hoạt động sản xuất cũng như trả lương cho người lao động, doanh nghiệp có thể lựa chọn tạm ngừng hoạt động kinh doanh của mình và có thể quay trở lại khi nguồn tài chính ổn định. Vậy khi tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp cần lưu ý những gì?
1. Doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh là như thế nào?
Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là việc tạm thời không thực hiện những hoạt động kinh doanh trong khoảng thời gian không quá 2 năm, nghĩa là doanh nghiệp không được ký kết hợp đồng, không được xuất hóa đơn hay có bất kỳ hoạt động nào khác. Sau khi hết thời hạn doanh nghiệp phải hoạt động trở lại nếu không phải làm thủ tục giải thể, chuyển nhượng.
Điều 156 Luật Doanh nghiệp quy định doanh nghiệp có quyền tạm ngừng kinh doanh nhưng phải thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế chậm nhất 15 ngày trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh.
Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp vẫn phải nộp đủ số thuế còn nợ, tiếp tục thanh toán các khoản nợ, thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động (nếu có), trừ trường hợp chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.
Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp không phải nộp thuế môn bài, không kê khai thuế giá trị gia tăng hàng tháng, không nộp báo cáo tài chính cuối năm. Một lưu ý đối với cách tính thuế môn bài phải nộp đã được Tổng Cục thuế hướng dẫn cụ thể như sau: Người nộp thuế có thông báo tạm ngừng kinh doanh cả năm dương lịch (từ 01/01 đến 31/12) thì không phải kê khai, nộp thuế môn bài đối với cả năm dương lịch tạm ngừng kinh doanh; còn nếu người nộp thuế có thông báo tạm ngừng kinh doanh 12 tháng, không trùng với năm dương lịch (tức thời hạn tạm ngừng kinh doanh kéo dài trong 02 năm dương lịch) thì phải thực hiện kê khai, nộp thuế môn bài cả năm dương lịch thứ nhất.
2. Doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh cần chuẩn bị hồ sơ gì?
Theo quy định của luật doanh nghiệp và luật quản lý thuế thì hồ sơ để doanh nghiệp xin được tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh bao gồm:
– Biên bản họp của hội đồng thành viên hoặc hội đồng quản trị công ty
– Quyết định tạm ngừng kinh doanh của Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị công ty
– Thông báo tạm ngừng kinh doanh
3. Những lưu ý khi làm hồ sơ thủ tục tạm ngừng
Sau khi làm xong hồ sơ giấy tờ để tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp sẽ gửi hồ sơ gồm 3 loại giấy tờ: Biên bản họp của hội đồng thành viên hoặc hội đồng quản trị công ty, Quyết định tạm ngừng kinh doanh của Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị công ty, Thông báo tạm ngừng kinh doanh đến Phòng đăng ký kinh doanh.
Thời gian gửi hồ sơ chậm nhất là 15 ngày ngày trước khi tạm ngừng kinh doanh
Thời gian tạm ngừng kinh doanh không được quá 1 năm tức là nếu doanh nghiệp xin tạm ngừng kinh doanh từ 01/01/2018 đến 31/12/2018. Mà năm 2019 muốn tạm ngừng kinh doanh tiếp. Thì doanh nghiệp sẽ phải làm thủ tục tạm ngừng kinh doanh thêm từ 01/01/2019 đến 31/12/2019, thủ tục giống như năm 2018.
Tổng thời gian tạm ngừng kinh doanh liên tiếp không được quá hai năm.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh
Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông tin doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh báo đến cơ quan thuế; để phối hợp quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp