Hộ kinh doanh là một thành phần không thể thiếu và có đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế của nước ta. Hiện nay, mô hình hộ kinh doanh rất phổ biến và có số lượng tương đối lớn so với số lượng doanh nghiệp. Các quy định về hộ kinh doanh đã tương đối đầy đủ và rõ ràng về cả thủ tục thành lập cũng như kê khai, nộp thuế. Qua bài viết này, MISA AMIS sẽ tổng hợp và chia sẻ các nội dung về hộ kinh doanh là gì, làm rõ sự khác biệt giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và đâu là những điều cần lưu ý khi đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể.
1. Hộ kinh doanh là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về Đăng ký doanh nghiệp và khoản 1 Điều 3 Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 của Bộ Tài chính Hướng dẫn thuế Giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh:
“Hộ kinh doanh” là cơ sở sản xuất, kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.
Cá nhân, thành viên hộ gia đình chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vị toàn quốc, không được đồng thời làm chủ doanh nghiệp tư nhân, tuy nhiên vẫn được quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân.
Ví dụ:
Bà A buôn bán quần áo trẻ em qua các trang thương mại điện tử Shopee, Lazada… thì phải đăng ký hộ kinh doanh với cơ quan thuế và là chủ hộ hộ kinh doanh.
Gia đình ông B cùng mở cửa hàng buôn bán thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại nhà và các thành viên trong gia đình ủy quyền cho ông B là đại diện hộ kinh doanh thì gia đình ông B phải đăng ký hộ kinh doanh và chủ hộ kinh doanh là ông B. Bên cạnh đó, vợ ông B vẫn góp vốn thành lập Công ty cổ phần kinh doanh về mảng vận tải.
Đọc thêm: Cập nhật những điểm mới trong Thông tư 40/2021/TT-BTC
2. Đặc điểm, quy định về hộ kinh doanh
- Phải đăng ký kinh doanh và được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để hoạt động;
- Về tên gọi: Trong tên gọi phải có cụm từ “Hộ kinh doanh”, không được sử dụng các cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp”;
Ví dụ: Gia đình ông B có cửa hàng buôn bán thức ăn chăn nuôi khi đăng ký kinh doanh có thể đặt tên hộ kinh doanh là “Hộ kinh doanh thức ăn chăn nuôi B”.
- Địa điểm kinh doanh được đặt tại nơi hộ kinh doanh thực hiện kinh doanh và có thể mở nhiều địa điểm kinh doanh;
- Quy mô nhỏ, không thường xuyên thuê nhiều lao động (chỉ khoảng dưới 10 lao động);
- Chịu trách nhiệm vô hạn đến cùng với các nghĩa vụ tài sản của hộ, nếu tài sản không đủ trả nợ thì cá nhân, hộ gia đình phải lấy cả tài sản riêng để thanh toán hết nợ theo Luật dân sự;
- Hoạt động mang tính nghề nghiệp thường xuyên, chuyên nghiệp và thu nhập chính của họ phát sinh từ hoạt động kinh doanh;
- Hộ kinh doanh cũng được phép kinh doanh tất cả các ngành nghề mà không phải ngành nghề bị cấm. Đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hộ kinh doanh chỉ được kinh doanh khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Ví dụ: Ông C có phương pháp nấu rượu gia truyền và muốn mở cơ sở nhỏ sản xuất rượu thủ công để bán cho các nhà hàng trong khu vực. Điều kiện để ông C được phép sản xuất và bán rượu là:
– Phải đăng ký thành lập Hộ kinh doanh theo quy định.
– Được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Lưu ý: Hộ kinh doanh có thể có con dấu nhưng chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin. Thông thường con dấu của hộ kinh doanh có dạng hình vuông hoặc hình chữ nhật do không có tư cách pháp nhân nên không có dấu tròn như doanh nghiệp.
3. Hộ kinh doanh là cá nhân hay tổ chức
3.1. Mô hình hộ kinh doanh
Theo khái niệm về hộ kinh doanh thì hộ kinh doanh do cá nhân hoặc các thành viên trong hộ gia đình đăng ký thành lập, do đó hộ kinh doanh là cơ sở mang tính cá nhân.
Mô hình hộ kinh doanh có nhiều lợi thế cho cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu sản xuất kinh doanh đặc biệt là những cá nhân, hộ gia đình có bí quyết gia truyền, có bề dày truyền thống trong việc sản xuất.
Ngoài việc đăng ký thành lập đơn giản, hộ kinh doanh không cần thực hiện chế độ kế toán hoặc chỉ thực hiện ở mức đơn giản, việc xác định tiền thuế phải nộp cho ngân sách nhà nước cũng đơn giản. Phần lớn hộ kinh doanh nộp tiền thuế theo phương pháp khoán – hộ kinh doanh và cơ quan thuế hiệp thương doanh thu có thể phát sinh trong một năm của hộ và từ căn cứ đó tính số thuế phải nộp theo tỷ lệ quy định.
Có thể bạn quan tâm: Các loại thuế hộ kinh doanh phải nộp và cách tính, kê khai
3.2. Hộ kinh doanh có phải doanh nghiệp không
Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh (Theo quy định tại khoản 10 Điều 4 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17/6/2020).
Hộ kinh doanh là cơ sở sản xuất, kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ.
Do đó, hộ kinh doanh không có tài sản riêng, không có tư cách pháp nhân, không đáp ứng đầy đủ các thành tố của một doanh nghiệp nên không phải là doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Sự khác biệt giữa Doanh nghiệp và Hộ kinh doanh là gì?
Tiêu chí | Hộ kinh doanh | Doanh nghiệp |
Tư cách pháp nhân | Không có | Có |
Vốn góp | Không quy định | Phải đăng ký vốn điều lệ khi đăng ký kinh doanh và phải góp đủ số vốn. |
Người đại diện | Cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình | Phải đăng ký người đại diện khi đăng ký kinh doanh (thường là chủ tịch hoặc giám đốc doanh nghiệp) |
Địa điểm kinh doanh | Phải đăng ký một địa điểm kinh doanh với cơ quan quản lý, có thể có nhiều địa điểm kinh doanh. | Phải đăng ký nơi đặt trụ sở chính (thường là nơi sản xuất, kinh doanh chính, nơi làm việc của giám đốc và các phòng ban chính như bộ phận kinh doanh, kế toán, hành chính…)Có thể thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, cơ sở sản xuất tại địa phương khác. |
Thực hiện công tác kế toán | – Hộ kinh doanh khoán, cho thuê tài sản, phát sinh từng lần: Không bắt buộc phải thực hiện công tác kế toán.– Hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai: thực hiện công tác kế toán ở mức đơn giản theo quy định hướng dẫn tại Thông tư số 88/2021/TT-BTC (nội dung chủ yếu xác định doanh thu để tính thuế phải nộp theo tỷ lệ). | Phải xây dựng hệ thống sổ sách kế toán theo quy định của Luật kế toán và các văn bản hướng dẫn, thực hiện công tác kế toán và báo cáo thường xuyên, liên tục. |
Trách nhiệm với các khoản phải nộp vào NSNN | – Hộ khoán: cơ quan thuế xác định và thông báo.– Hộ kê khai và hộ nộp thuế theo từng lần phát sinh: căn cứ thực tế phát sinh. | Tự kê khai, nộp thuế và chịu trách nhiệm với số thuế đã kê khai theo quy định của Luật Quản lý thuế. |
Tài sản | Không tách biệt giữa tài sản của cá nhân và hộ kinh doanh. | Có tài sản riêng và được đăng ký theo quy định của pháp luật. |
Trách nhiệm với nợ phải trả | Cá nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn đến cùng với các nghĩa vụ tài sản của hộ kinh doanh. | Thành viên góp vốn, cổ đông chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn đã góp vào doanh nghiệp (trừ chủ của doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH MTV). |
Có thể bạn quan tâm: Thành lập hộ kinh doanh hay doanh nghiệp – lựa chọn nào phù hợp?
4. Quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh là gì?
Theo Điều 81 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, quyền và nghĩa vụ của chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh được quy định như sau:
- Chủ hộ kinh doanh cần thực hiện các nghĩa vụ về thuế, các nghĩa vụ tài chính và các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật.
- Chủ hộ kinh doanh đại diện cho hộ kinh doanh với tư cách là người yêu cầu giải quyết vấn đề dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật.
- Chủ hộ kinh doanh có thể thuê người quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh của hộ. Khi này, chỉ hộ và các thành viên trong hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh vẫn chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ cũng như nghĩa vụ tài sản khác phát sinh từ hoạt động kinh doanh.
- Chủ hộ và các thành viên tham gia đăng ký hộ kinh doanh chịu trách nhiệm đối với các hoạt động kinh doanh của hộ.
- Cùng với đó là các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
5. Đăng ký ngành nghề hộ kinh doanh
Theo Khoản 1 Điều 89 Nghị định 01/2021/NĐ-CP: “Khi đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh, hộ kinh doanh ghi ngành, nghề kinh doanh trên giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh, thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ghi nhận thông tin về ngành, nghề kinh doanh trên giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh”.
Chủ hộ kinh doanh cần phải lựa chọn trước ngành, nghề kinh doanh và ghi vào giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh trước khi đăng ký thành lập hộ kinh doanh.
Hộ kinh doanh được quyền kinh doanh ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động.
Pháp luật không giới hạn số ngành nghề hộ kinh doanh được đăng ký, tuy nhiên những ngành nghề đó phải được cơ quan đăng ký kinh doanh chấp nhận và thỏa mãn các điều kiện:
- Không phải là ngành, nghề kinh doanh bị cấm theo quy định của pháp luật
- Có đủ điều kiện kinh doanh ngành, nghề đó
6. Đăng ký mã số thuế hộ kinh doanh
Theo điểm i khoản 1 Điều 2 Thông tư 95/2016/TT-BTC, đối tượng nộp thuế bao gồm hộ gia đình, nhóm cá nhân và cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh và cung cấp hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả cá nhân của các nước có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam thực hiện các hoạt động mua, bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu.
Xem thêm: Tra cứu mã số thuế hộ kinh doanh cá thể chi tiết nhất
7. Điều kiện thành lập hộ kinh doanh là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 82 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, điều kiện thành lập hộ kinh doanh như sau:
Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh sẽ được cấp cho hộ kinh doanh đáp ứng đủ các điều kiện:
- Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh
- Tên của hộ kinh doanh được đặt theo đúng quy định tại Điều 88 Nghị định 01/2021/NĐ-CP
- Có hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh hợp lệ
- Nộp đủ lệ phí đăng ký hộ kinh doanh theo quy định
8. Hồ sơ và thủ tục thành lập hộ kinh doanh là gì?
Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh và thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký
- Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên đăng ký hộ kinh doanh
- Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh
*Lưu ý: Đối với hộ kinh doanh nộp hồ sơ online, các giấy tờ phải được thể hiện dưới dạng file .doc hoặc .docx hoặc .pdf và được xác thực bằng chữ ký số của chủ hộ/ người được ủy quyền thực hiện thủ tục
Nơi nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh
Sau khi hoàn thiện hồ sơ, cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình có thể chọn một trong các phương thức để nộp hồ sơ:
- Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở kinh doanh
- Nộp hồ sơ online trên hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh thuộc Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
- Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ hoặc người thành lập hộ kinh doanh biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có)
- Nếu sau 03 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thì người thành lập hộ kinh doanh hoặc hộ kinh doanh có quyền khiếu nại và tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
- Định kỳ vào tuần làm việc đầu tiên hàng tháng, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện gửi danh sách hộ kinh doanh đã đăng ký tháng trước cho Cơ quan thuế cùng cấp, Phòng đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý chuyên ngành cấp tỉnh.
Phí, lệ phí đăng ký thành lập hộ kinh doanh
* Đối với hình thức nộp trực tiếp
- Mức lệ phí cụ thể do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định (căn cứ quy định tại Thông tư số 85/2019/TT-BTC). Người nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh nộp lệ phí đăng ký hộ kinh doanh tại thời điểm nộp hồ sơ.
- Lệ phí đăng ký hộ kinh doanh có thể nộp trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ đăng ký ở cấp huyện hoặc chuyển vào tài khoản của cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện hoặc sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Lệ phí đăng ký không được hoàn trả trong trường hợp hộ kinh doanh không được cấp đăng ký hộ kinh doanh.
* Đối với hình thức nộp trực tuyến
- Mức lệ phí cụ thể do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định (căn cứ quy định tại Thông tư số 85/2019/TT-BTC)
9. Đăng ký thuế lần đầu
Thời hạn đăng ký thuế lần đầu
“1. Người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh thì thời hạn đăng ký thuế là thời hạn đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
2. Người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì thời hạn đăng ký thuế là 10 ngày làm việc kể từ ngày sau đây:
a) Được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định thành lập;
b) Bắt đầu hoạt động kinh doanh đối với tổ chức không thuộc diện đăng ký kinh doanh hoặc hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc diện đăng ký kinh doanh nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
c) Phát sinh trách nhiệm khấu trừ thuế và nộp thuế thay; tổ chức nộp thay cho cá nhân theo hợp đồng, văn bản hợp tác kinh doanh;
d) Ký hợp đồng nhận thầu đối với nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài kê khai nộp thuế trực tiếp với cơ quan thuế; ký hợp đồng, hiệp định dầu khí;
đ) Phát sinh nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân;
e) Phát sinh yêu cầu được hoàn thuế;
g) Phát sinh nghĩa vụ khác với ngân sách nhà nước.
3. Tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập có trách nhiệm đăng ký thuế thay cho cá nhân có thu nhập chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế trong trường hợp cá nhân chưa có mã số thuế; đăng ký thuế thay cho người phụ thuộc của người nộp thuế chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh theo quy định của pháp luật trong trường hợp người phụ thuộc chưa có mã số thuế.”
Như vậy, Hộ kinh doanh phải đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế trong thời hạn 10 ngày kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh
Cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế
- Cơ quan thuế cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế cho người nộp thuế trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký thuế của người nộp thuế theo quy định.
- Cơ quan thuế thông báo mã số thuế cho người nộp thuế thay giấy chứng nhận đăng ký thuế trong các trường hợp:
- Cá nhân ủy quyền cho tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập đăng ký thuế thay cho cá nhân và người phụ thuộc của cá nhân
- Cá nhân thực hiện đăng ký thuế qua hồ sơ khai thuế
- Tổ chức, cá nhân đăng ký thuế để khấu trừ thuế và nộp thuế thay
- Cá nhân đăng ký thuế cho người phụ thuộc
- Trường hợp bị mất, rách, nát, cháy giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc thông báo mã số thuế, cơ quan thuế cấp lại trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị của người nộp thuế theo quy định.
10. Chuyển đổi từ Hộ kinh doanh lên doanh nghiệp
Các hộ kinh doanh khi có quy mô hoạt động kinh doanh phát triển lớn mạnh, vốn và số lượng khách hàng của hộ kinh doanh tăng trưởng, chủ hộ kinh doanh có thể chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc doanh nghiệp nhỏ và vừa để thuận lợi trong công tác quản lý cũng như kê khai, nộp thuế.
Khi đó, chủ hộ kinh doanh phải đăng ký thành lập doanh nghiệp trên cơ sở hộ kinh doanh và thực hiện theo các quy định pháp luật đối với doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm: Các hướng dẫn, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp theo nghị định 80/2021/NĐ-CP
Qua bài viết MISA AMIS chia sẻ những nội dung cơ bản về hộ kinh doanh, giúp bạn đọc nắm được bản chất của hộ kinh doanh và có được sự lựa chọn phù hợp. Nhận thấy tầm quan trọng của việc hộ kinh doanh cần một phần mềm phù hợp, MISA chính thức phát hành Phần mềm Kế toán Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đáp ứng quy định về chứng từ, sổ kế toán theo Thông tư 88/2021/TT-BTC, xuất hóa đơn điện tử theo Thông tư 78/2021/TT-BTC và nộp thuế theo Thông tư 40/2021/TT-BTC.