Trong kế toán, để hệ thống hóa thông tin thì phải sử dụng tới các tài khoản kế toán. Bài viết dưới đây MISA AMIS sẽ cùng các bạn tìm hiểu về một loại tài khoản, đó là tài khoản điều chỉnh – loại tài khoản đặc biệt trong kế toán.
1. Tài khoản điều chỉnh là gì?
Để nắm được khái niệm tài khoản điều chỉnh, trước hết chúng ta cần tìm hiểu thế nào là tài khoản chủ yếu.
– Tài khoản chủ yếu: Là loại tài khoản chính được sử dụng để phản ánh số hiện có và sự vận động của đối tượng kế toán cụ thể.
Ví dụ: Tài khoản Tài sản cố định hữu hình là tài khoản được sử dụng để phản ánh số hiện có và tình hình tăng giảm của đối tượng là nguyên giá Tài sản cố định hữu hình sử dụng trong kỳ.
Tài khoản Phải thu khách hàng là tài khoản được sử dụng để phản ánh số hiện có và tình hình tăng giảm của đối tượng kế toán là các khoản phải thu khách hàng.
– Tài khoản điều chỉnh: Là loại tài khoản được sử dụng để điều chỉnh tăng (giảm) số liệu cho tài khoản chủ yếu trong trường hợp số liệu trên tài khoản chủ yếu chưa đủ để phản ánh trị giá thực tế của đối tượng kế toán cụ thể.
Ví dụ: Tài khoản Hao mòn tài sản cố định được sử dụng để điều chỉnh giảm cho tài khoản tài sản cố định.
2. Các loại tài khoản điều chỉnh
Tài khoản điều chỉnh được chia thành 03 loại:
- Tài khoản điều chỉnh tăng
- Tài khoản điều chỉnh giảm
- Tài khoản điều chỉnh vừa tăng vừa giảm
3. Kết cấu của tài khoản điều chỉnh
3.1 Kết cấu tài khoản điều chỉnh tăng
Kết cấu của tài khoản này giống với kết cấu của tài khoản chủ yếu mà tài khoản này điều chỉnh (Nguyên tắc cộng hưởng).
Ví dụ: Tài khoản Dự phòng phải trả 352. TK 352 là tài khoản điều chỉnh tăng cho số liệu phản ánh trên các tài khoản nợ phải trả, nên kết cấu của tài khoản này giống với kết cấu của các tài khoản phản ánh nợ phải trả.
3.2 Kết cấu tài khoản điều chỉnh giảm
Kết cấu của các tài khoản này sẽ ngược lại với kết cấu của tài khoản chủ yếu mà tài khoản này điều chỉnh (Nguyên tắc loại trừ).
Ví dụ: Tài khoản Hao mòn tài sản cố định là tài khoản điều chỉnh giảm cho tài khoản Tài sản cố định nên kết cấu tài khoản này có kết cấu ngược lại với kết cấu của tài khoản Tài sản cố định.
3.3 Kết cấu tài khoản điều chỉnh vừa tăng vừa giảm
Kết cấu tài khoản này sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Khi nào tài khoản này điều chỉnh tăng thì sẽ có kết cấu giống với kết cấu của tài khoản chủ yếu mà nó điều chỉnh, còn ngược lại khi nào tài khoản này điều chỉnh giảm thì sẽ có kết cấu ngược lại với kết cấu của tài khoản chủ yếu mà tài khoản này điều chỉnh.
4. Một số tài khoản điều chỉnh thường gặp
4.1 Tài khoản điều chỉnh giảm tài sản
2 tài khoản điều chỉnh giảm tài sản thường gặp và phổ biến nhất là:
– Tài khoản hao mòn tài sản cố định.
– Tài khoản dự phòng tổn thất tài sản.
Tài khoản hao mòn tài sản cố định (TK 214)
-
- Khái niệm:
Đây là tài khoản được sử dụng để phản ánh số hiện có và tình hình tăng giảm của đối tượng kế toán là hao mòn của các tài sản cố định sử dụng trong kỳ kế toán của doanh nghiệp.
-
- Kết cấu tài khoản:
Đây là tài khoản điều chỉnh giảm tài sản nên sẽ có kết cấu ngược với kết cấu của các tài khoản tài sản cố định.
-
- Quy định hiện hành của pháp luật:
Chế độ kế toán Việt Nam theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC thì tài khoản hao mòn tài sản cố định có số hiệu tài khoản là: 214.
-
- Trình bày số dư trên Bảng cân đối kế toán:
Số dư của Tài khoản này sẽ được trình bày ở chỉ tiêu “Hao mòn tài sản cố định”. Chỉ tiêu này được trình bày ngay bên dưới chỉ tiêu “Tài sản cố định” tương ứng và được trình bày dưới dạng số âm (trong ngoặc đơn).
-
- Ví dụ tài khoản 214:
Công ty TNHH ABC kinh doanh trong lĩnh vực may mặc. Ngày 01/03/2022, công ty hoàn thành việc ghi nhận tài sản cố định là máy may có trị giá: 320.000.000 đồng (chưa bao gồm VAT). Kế toán của Công ty ABC thực hiện tính toán và ghi nhận như sau:
+ Công ty ghi nhận nguyên giá tài sản cố định là: 320.000.000 đồng
+ Khấu hao tài sản cố định là máy may là 8 năm, mỗi năm khấu hao:
320.000.000/8 = 40.000.000 đồng.
+ Khấu hao mỗi tháng là:
40.000.000/12 = 3.333.333 đồng,
khấu hao cả năm 2022 là:
3.333.333 x 10 tháng = 33.333.330 đồng
+ Trình bày trên Bảng Cân đối kế toán:
Giả sử Công ty ABC chỉ có tài sản duy nhất là máy may như đã trình bày ở trên vào ngày 31/12/2022, trên Bảng Cân đối toán của ABC cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2022 chỉ tiêu tài sản cố định sẽ được trình bày như sau:
Tài sản cố định: 286.666.670 đồng
Nguyên giá: 320.000.000 đồng
Giá trị hao mòn lũy kế: (33.333.330) đồng
Tài khoản dự phòng tổn thất tài sản (TK 229)
-
- Các loại tài khoản dự phòng tổn thất tài sản:
Có 4 loại tài khoản dự phòng tổn thất tài sản theo theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC bao gồm:
+ TK 2291: Dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh
+ TK 2292: Dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác
+ TK 2293: Dự phòng phải thu khó đòi
+ TK 2294: Dự phòng giảm giá hàng tồn kho
-
- Mục đích sử dụng:
Khác với tài khoản hao mòn lũy kế giúp doanh nghiệp có thể theo dõi phần giá trị khấu hao của tài sản trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thì các tài khoản điều chỉnh thuộc nhóm dự phòng nêu trên, có mục đích giúp doanh nghiệp có thể ước tính trước các tổn thất tương lai của tài sản để đảm bảo nguyên tắc thận trọng trong kế toán.
-
- Trình bày số dư trên Bảng cân đối kế toán:
Số dư của các tài khoản dự phòng khi lên chỉ tiêu tương ứng trên Bảng cân đối kế toán sẽ trình bày bên dưới tài khoản mà nó điều chỉnh và trình bày dưới dạng số âm, cụ thể như sau:
Chỉ tiêu | Nơi trình bày |
Dự phòng giảm giá hàng tồn kho | ngay bên dưới chỉ tiêu “Hàng tồn kho” |
Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi | ngay bên dưới các chỉ tiêu phản ánh các khoản phải thu ngắn hạn |
Dự phòng phải thu dài hạn khó đòi | ngay bên dưới các chỉ tiêu phản ánh các khoản phải thu dài hạn |
Dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh | ngay bên dưới chỉ tiêu “Chứng khoán kinh doanh” |
Dự phòng đầu tư tài chính dài hạn | ngay bên dưới một loạt các chỉ tiêu phản ánh các khoản đầu tư dài hạn |
-
- Ví dụ về tài khoản “Dự phòng giảm giá hàng tồn kho (TK 2294):
Công ty DEF có số dư hàng tồn kho tại thời điểm 31/12/2022 là: 5.890.652.000 đồng. Trong các mặt hàng tồn kho của công ty có một lô hàng điện thoại loại X, số lượng 20 chiếc, giá gốc của mỗi chiếc là: 13.000.000 đồng/chiếc. Tại ngày 31/12/2022, Công ty có bằng chứng đáng tin cậy và ước tính giá trị thuần có thể thực hiện được chỉ còn: 9.000.000 đồng/chiếc. Kế toán của công ty xem xét và tính toán dự phòng giảm giá hàng tồn kho như sau:
+ Số tiền dự phòng phải trích lập:(13.000.000 – 9.000.000) x 20= 80.000.000 đồng,
+ Kế toán định khoản:
Nợ TK 632: 80.000.000 đồng
Có TK 2294: 80.000.000 đồng.
+ Trình bày trên Bảng cân đối kế toán tại ngày 31/12/2022:
Tài khoản 2294 có số dư Có: 80.000.000 đồng (Giả sử tài khoản này có số dư đầu kỳ bằng 0). Khi trình bày trên Bảng Cân đối kế toán tại ngày 31/12/2022, dự phòng giảm giá hàng tồn kho của DEF sẽ có số tiền ghi âm và trình bày theo cặp với chỉ tiêu Hàng tồn kho, cụ thể như sau:
Chỉ tiêu | Mã số | Số cuối năm |
Hàng tồn kho | 141 | 5.890.652.000 |
Dự phòng giảm giá hàng tồn kho | 149 | (80.000.000) |
Như vậy: Theo như ví dụ nêu trên về tài khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tài khoản điều chỉnh trong trường hợp này giúp doanh nghiệp xác định khoản giảm giá hàng tồn kho theo giá thị trường, từ đó đảm bảo phản ánh tài sản trên Bảng cân đối kế toán một cách đáng tin cậy hơn.
4.2 Tài khoản điều chỉnh Nợ phải trả
- Đặc điểm:
Dưới sự tác động của nguyên tắc thận trọng trong kế toán thì tài khoản điều chỉnh Nợ phải trả thường là điều chỉnh tăng.
- Ví dụ:
Tài khoản điều chỉnh nợ phải trả thường gặp là TK 352: Dự phòng phải trả dài hạn. Đây là tài khoản điều chỉnh tăng nên kết cấu của tài khoản này sẽ giống với kết cấu của các tài khoản phản ánh Nợ phải trả.
- Trình bày trên Bảng cân đối kế toán:
Số dư có của Tài khoản 352 sẽ được trình bày trên 02 chỉ tiêu trên Bảng cân đối kế toán gồm: “Dự phòng nợ phải trả ngắn hạn” và “Dự phòng nợ phải trả dài hạn”, cụ thể như sau:
-
- Chỉ tiêu “Dự phòng nợ phải trả ngắn hạn” được trình bày bên dưới các chỉ tiêu phản ánh các khoản nợ phải trả ngắn hạn và trình bày dưới dạng số dương.
- Chỉ tiêu “Dự phòng nợ phải trả dài hạn” được trình bày bên dưới các chỉ tiêu phản ánh các khoản nợ phải trả dài hạn và trình bày dưới dạng số dương.
>> Có thể bạn quan tâm: Định khoản kế toán – Ý nghĩa của việc định khoản đúng tài khoản kế toán trong doanh nghiệp
4.3 Tài khoản điều chỉnh vốn chủ sở hữu
Tài khoản điều chỉnh vốn chủ sở hữu là tài khoản được sử dụng để điều chỉnh cho số liệu phản ánh trên các tài khoản vốn chủ sở hữu.
Đây có thể là tài khoản điều chỉnh tăng hoặc tài khoản điều chỉnh giảm.
Một số tài khoản điều chỉnh vốn chủ sở hữu phổ biến:
Theo Chế độ kế toán Việt Nam, Thông tư số 200/2014/TT-BTC thì 2 tài khoản điều chỉnh vốn chủ sở hữu thường được biết tới là:
-
- TK 412: Chênh lệch đánh giá lại tài sản.
- TK 413: Chênh lệch đánh giá lại tỷ giá hối đoái.
2 tài khoản này đều có thể có số dư bên có hoặc số dư bên nợ. Trong trường hợp các tài khoản này có số dư bên có thì sẽ được trình bày trên Bảng cân đối kế toán dưới dạng số dương, còn trong trường hợp các tài khoản này có số dư bên nợ thì sẽ được trình bày dưới dạng số âm.
4.4 Tài khoản điều chỉnh doanh thu
-
- Đặc điểm:
+ Dưới sự tác động của nguyên tắc thận trọng thì tài khoản điều chỉnh doanh thu thường là tài khoản điều chỉnh giảm.
+ Do tài khoản điều chỉnh doanh thu là tài khoản điều chỉnh giảm nên nó sẽ có kết cấu ngược lại với kết cấu của các tài khoản phản ánh doanh thu. Nghĩa là khi phát sinh các khoản điều chỉnh giảm thì sẽ ghi vào bên Nợ, khi kết chuyển các khoản điều chỉnh giảm thì sẽ ghi vào bên Có.
+ Các khoản giảm trừ doanh thu sẽ điều chỉnh tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ từ đó xác định số liệu doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của một doanh nghiệp.
=> Công thức xác định doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ:
Doanh thu thuần = Doanh thu – Các khoản giảm trừ doanh thu |
-
- Liên hệ với Chế độ kế toán Việt Nam hiện hành theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC:
Ở Việt Nam, tài khoản điều chỉnh doanh thu thường được biết tới là TK 521- Các khoản giảm trừ doanh thu. Tài khoản này bao gồm 3 tài khoản cấp 2:
+ Tài khoản 5211 – Chiết khấu thương mại: Tài khoản này dùng để phản ánh khoản chiết khấu thương mại cho người mua do khách hàng mua hàng với khối lượng lớn nhưng chưa được phản ánh trên hóa đơn khi bán sản phẩm hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong kỳ
+ Tài khoản 5212 – Hàng bán bị trả lại: Tài khoản này dùng để phản ánh doanh thu của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bị người mua trả lại trong kỳ.
+ Tài khoản 5213 – Giảm giá hàng bán: Tài khoản này dùng để phản ánh khoản giảm giá hàng bán cho người mua do sản phẩm hàng hóa dịch vụ cung cấp kém quy cách nhưng chưa được phản ánh trên hóa đơn khi bán sản phẩm hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong kỳ
-
- Trình bày trên Báo cáo Kết quả hoạt động kinh doanh:
Như các tài khoản điều chỉnh thông thường khác, tài khoản điều chỉnh doanh thu được trình bày theo cặp và trình bày ngay sau tài khoản mà nó điều chỉnh trên Báo cáo tài chính, cụ thể theo Thông tư 200, các khoản doanh thu và các khoản điều chỉnh giảm doanh thu được trình bày trên Báo cáo kết quả kinh doanh như sau:
1. Doanh thu thuần và bán hàng và cung cấp dịch vụ – Mã số 01
2. Các khoản giảm trừ doanh thu – Mã số 02
3. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ (10= 01-02) – Mã số 10
-
- Ví dụ:
Để hiểu rõ hơn về tài khoản điều chỉnh doanh thu, bạn đọc có thể tham khảo ví dụ về TK 521-Giảm giá hàng bán như sau:
Công ty DKL, kinh doanh lĩnh vực bán máy photocopy. Ngày 28/12/2022, công ty DKL bán máy photocopy thương hiệu Y cho công ty TNHH MNL, giá niêm yết của máy photocopy này là: 68.500.000 đồng (Giá chưa bao gồm VAT, VAT: 10%). Tuy nhiên do máy photocopy này bị trầy xước vỏ ngoài thân máy, công ty DKL quyết định giảm giá 10% trên giá chưa thuế VAT cho công ty MNL. Số tiền giảm giá chưa thuế VAT là: 6.850.000 đồng, tổng tiền giảm giá (bao gồm VAT) là: 7.535.000 đồng. Công ty MNL chưa thanh toán tiền mua hàng vào ngày 28/03/2023.
Kế toán công ty DKL thực hiện hạch toán doanh thu và chiết khấu máy photocopy Y tại ngày 28/03/2023 như sau:
- Định khoản doanh thu:
Nợ TK 131: 73.350.000 đồng
Có TK 511: 68.500.000 đồng
Có TK 3331: 6.850.000 đồng
- Sử dụng tài khoản điều chỉnh doanh thu để hạch toán khoản giảm giá hàng bán:
Nợ TK 5213: 6.850.000 đồng
Nợ TK 3331: 685.000 đồng
Có TK 131: 7.535.000 đồng
- Trình bày trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022 của DKL:
Giả sử năm 2022, Công ty DKL chỉ có duy nhất doanh thu từ bán máy photocopy nêu trên thì trên Báo cáo KQKD năm 2022 số liệu sẽ được trình bày như sau:
- Doanh thu thuần và bán hàng và cung cấp dịch vụ: 68.500.000 đồng
- Các khoản giảm trừ doanh thu: 6.850.000 đồng
- Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ: 61.650.000 đồng
Như vậy theo như ví dụ trên: Tài khoản điều chỉnh doanh thu, cụ thể là TK 5213 (Giảm giá hàng bán) đã điều chỉnh doanh thu bán máy photocopy Y, từ đó giúp kế toán xác định doanh thu thuần bán máy photocopy và số tiền giảm giá cho khách hàng.
Việc sử dụng các tài khoản điều chỉnh doanh thu giúp kế toán, cũng như những nhà quản trị doanh nghiệp có thể nắm rõ số liệu về các khoản giảm trừ doanh thu đã ảnh hưởng đến tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ. Từ đó doanh nghiệp có thể đưa ra các biện pháp quản trị hoặc các chương trình bán hàng phù hợp.
Bên cạnh tổng hợp các kiến thức hữu ích về kế toán để giúp kế toán doanh nghiệp dễ dàng tìm hiểu trong quá trình công tác, MISA đồng thời phát triển phần mềm kế toán mang đến giải pháp quản trị tài chính kế toán tổng thể vừa đơn giản, thông minh vừa an toàn chính xác. Anh/Chị kế toán doanh nghiệp hãy đăng ký phần mềm kế toán online MISA AMIS để thực tế trải nghiệm một giải pháp với nhiều tính năng, tiện ích như:
- Hệ sinh thái kết nối:
- Hoá đơn điện tử – cho phép xuất hoá đơn ngay trên phần mềm
- Ngân hàng điện tử – cho phép lấy sổ phụ, đối chiếu và chuyển tiền ngay trên phần mềm
- Cơ quan Thuế – cổng mTax cho phép nộp tờ khai, nộp thuế ngay trên phần mềm
- Hệ thống quản trị bán hàng, nhân sự…
- Đầy đủ các nghiệp vụ kế toán: Đầy đủ 20 nghiệp vụ kế toán theo TT133 & TT200, từ Quỹ, Ngân hàng, Mua hàng, Bán hàng, Kho, Hóa đơn, Thuế, Giá thành,…
- Tự động nhập liệu: Tự động nhập liệu từ hóa đơn điện tử, nhập khẩu dữ liệu từ Excel giúp rút ngắn thời gian nhập chứng từ, tránh sai sót.
- Tự động tổng hợp số liệu và kết xuất báo cáo tài chính với hàng trăm biểu mẫu có sẵn giúp kế toán đáp ứng kịp thời yêu cầu của lãnh đạo ….
Tham khảo ngay bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS dùng thử miễn phí 15 ngày để quản lý công tác kế toán hiệu quả hơn!