Trong trường hợp công ty vay tiền từ cá nhân không lấy lãi có bị ấn định thuế không? Bản thân công ty sẽ phải chịu những rủi ro gì? Mời bạn đọc cùng MISA AMIS tìm lời giải đáp cho các thắc mắc thường gặp trên trong bài viết dưới đây.
1. Căn cứ về pháp lý và tài liệu liên quan đến ấn định thuế
Ấn định thuế là việc cơ quan thuế sẽ ra thông báo bằng văn bản và ban hành quyết định ấn định số thuế phải nộp hoặc ấn định yếu tố liên quan đến việc xác định số thuế phải nộp. Theo đó, cá nhân, doanh nghiệp phải thực hiện nộp thuế đúng theo số tiền được ấn định hoặc tính toán lại số thuế phải nộp dựa trên yếu tố liên quan đến việc xác định số thuế phải nộp được nêu trong thông báo. Đây là một cơ chế mang tính cưỡng chế, để đảm bảo tính khách quan, công bằng và tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về thuế.
Các trường hợp cơ quan thuế có thẩm quyền thực hiện ấn định thuế được quy định tại Điều 14 Nghị định 126/2020/NĐ-CP Hướng dẫn luật quản lý thuế.
Các căn cứ trong việc ấn định thuế được quy định tại Điều 15 Nghị định 126/2020/NĐ-CP Hướng dẫn luật quản lý thuế.
2. Vậy cá nhân cho công ty vay tiền không lấy lãi có bị ấn định thuế không?
Nếu cá nhân cho công ty vay có lãi suất, thì người cho vay sẽ phát sinh một khoản thu nhập từ lãi cho vay, theo luật được xác định là một khoản thu nhập từ đầu tư vốn. Theo quy định của luật thuế thu nhập cá nhân, khoản thu nhập này phải chịu mức thuế suất 5%. Nghĩa là, các nhân cho vay sẽ phải nộp một khoản thuế thu nhập cá nhân tương ứng 5% x (nhân) lãi suất cho vay x (nhân) số tiền cho vay.
Như vậy, nếu công ty được cá nhân cho vay không lấy lãi, tương đương lãi suất 0%, thì cơ quan thuế sẽ không thu được một khoản thuế từ thu nhập cho vay. Trường hợp này rơi vào Điểm 8, Điều 14 Nghị định 126/2020/NĐ-CP: “Mua, bán, trao đổi và hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ không theo giá trị giao dịch thông thường trên thị trường”. Do đó, cá nhân cho công ty vay không lấy lãi khả năng cao sẽ bị cơ quan thuế ấn định mức lãi suất vay để tính ra tiền lãi vay và thuế thu nhập cá nhân tương ứng.
Một số trường hợp cơ quan thuế không thể truy thu trực tiếp từ cá nhân như cá nhân cho vay là cá nhân không cư trú, hoặc trong trường hợp công ty đang bị thanh tra, kiểm tra bởi cơ quan thuế. Lúc này bên có nghĩa vụ nộp thuế là cá nhân, tuy nhiên, trong trường hợp cơ quan thuế không thể truy thu trực tiếp từ bên có nghĩa vụ thì lúc này cơ quan thuế sẽ thực hiện việc truy thu từ bên còn lại, là chính công ty đi vay.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 25, Thông tư 111/2013/TT-BTC Hướng dẫn luật thuế thu nhập cá nhân, khoản lãi cho vay là một khoản thu nhập từ đầu tư vốn, công ty trả thu nhập từ đầu tư vốn có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân trước khi trả thu nhập cho cá nhân. Do đó, trong trường hợp bị ấn định thuế, công ty khả năng cao sẽ bị truy thu khoản thuế thu nhập cá nhân này.
Như vậy, trong tình huống đi vay từ cá nhân không lãi suất và bị cơ quan thuế ấn định thuế, công ty sẽ phải chịu các nghĩa vụ với cơ quan Nhà nước như sau:
>> Xem thêm: Hướng dẫn hạch toán thuế thu nhập cá nhân với doanh nghiệp
3. Lưu ý khi doanh nghiệp thực hiện khoản vay với cá nhân
Công ty được phép vay tiền từ cá nhân để phục vụ cho mục đích sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, để đảm bảo không gặp các rủi ro về thuế, khi vay vốn từ cá nhân, doanh nghiệp cần lưu ý:
- Hình thức vay vốn: Có thể bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản
- Hồ sơ vay vốn bao gồm:
-
- Hợp đồng vay mượn tiền
- Chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân của cá nhân
- Chứng từ thanh toán: Phiếu thu (đối với tiền mặt), Giấy báo có của ngân hàng (chuyển khoản)
- Biên bản kiểm kê tiền mặt (kiểm điểm rõ số lượng).
- Trong trường hợp vay cá nhân lãi suất 0% và bị ấn định thuế, công ty không được hạch toán chi phí lãi vay được ấn định theo quyết định của cơ quan thuế là chi phí hợp lý được khấu trừ xác định thuế thu nhập doanh nghiệp do là các khoản chi không có thỏa thuận, hồ sơ liên quan hợp lệ
- Điều kiện để chi phí lãi vay cá nhân là chi phí hợp lý và không bị ấn định thuế
-
- Lãi suất không vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản cũng không quá thấp so với mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm hiện tại;
- Có đầy đủ chứng từ khấu trừ thuế TNCN: 5% thu nhập từ lãi cho vay;
- Các chứng từ kèm theo hợp lệ: Hợp đồng, chứng từ thanh toán, biên bản kiểm kê…
- Trong trường hợp vay tiền từ các cá nhân có liên quan như giám đốc, thành viên hội đồng quản trị…, các giao dịch này được coi là giao dịch liên kết và bị khống chế mức trần chi phí lãi vay được tính là chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cụ thể, tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của công ty được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ (EBITDA) của công ty. Phần còn lại vượt quá mức trần 30% (EBITDA) sẽ được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ thấp hơn mức 30% EBITDA của kỳ đó. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.
Ví dụ tính toán chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp:
Công ty A có số liệu trên Báo cáo kết quả kinh doanh như sau:
Đơn vị: Nghìn VND
CHỈ TIÊU | Mã số | Năm N | Năm N-1 |
1. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ | 1 | 200.000.000 | 140.000.000 |
2. Các khoản giảm trừ doanh thu | 2 | – | – |
3. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ (10=01-02) | 10 | 200.000.000 | 140.000.000 |
4. Giá vốn hàng bán | 11 | 145.000.000 | 95.000.000 |
5. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ (20=10-11) | 20 | 55.000.000 | 45.000.000 |
6. Doanh thu hoạt động tài chính | 21 | 1.000.000 | 2.000.000 |
7. Chi phí tài chính | 22 | 4.000.000 | 4.500.000 |
– Trong đó: Chi phí lãi vay | 23 | 3.800.000 | 4.200.000 |
8. Chi phí bán hàng | 25 | 34.000.000 | 27.000.000 |
9. Chi phí quản lý doanh nghiệp | 26 | 15.000.000 | 12.000.000 |
10. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (30=20+(21-22)-(25+26)) | 30 | 3.000.000 | 3.500.000 |
11. Thu nhập khác | 31 | – | – |
12. Chi phí khác | 32 | – | – |
13. Lợi nhuận khác (40 = 31 – 32) | 40 | – | – |
14. Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế (50=30+40) | 50 | 3.000.000 | 3.500.000 |
15. Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành | 51 | 600.000 | 700.000 |
16. Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại | 52 | ||
17. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp (60=50-51-52) | 60 | 2.400.000 | 2.800.000 |
Ngoài ra, chi phí khấu hao và lãi từ tiền gửi và lãi cho vay trong hai năm như sau:
CHỈ TIÊU | Năm N | Năm N-1 |
Chi phí khấu hao | 1.000.000 | 2.000.000 |
Lãi từ tiền gửi và lãi cho vay | 800.000 | 1.800.000 |
Dựa trên thông tin trên, ta có bảng tính xác định chi phí lãi vay được trừ các năm như sau:
CHỈ TIÊU | Năm N | Năm N-1 |
1. Chi phí lãi vay | 3.800.000 | 4.200.000 |
2. Lãi từ tiền gửi và lãi cho vay | 800.000 | 1.800.000 |
3. Chi phí lãi vay sau trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay (3 = 1 -2 ) | 3.000.000 | 2.400.000 |
4. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh | 3.000.000 | 3.500.000 |
5. Chi phí khấu hao | 1.000.000 | 2.000.000 |
6. EBITDA (6 = 4 + 5 + 3) | 7.000.000 | 7.900.000 |
7. Trần chi phí lãi vay được trừ (7 = 30% x 6) | 2.100.000 | 2.370.000 |
8. Chi phí lãi vay được tính là chi phí được trừ (8=min(7,3)) | 2.100.000 | 2.370.000 |
8. Chi phí lãi vay vượt trần mang sang kỳ sau (9 = 3 – 8) | 900.000 | 30.000 |
Như vậy, chi phí lãi vay được tính là chi phí được trừ cho năm nay và năm trước lần lượt là 2,1 tỷ VND và 2,37 tỷ VND. Ngoài ra, do hai năm chi phí lãi vay đều vượt mức trần 30% EBITDA, do đó, phần vượt trần sẽ được chuyển sang các kỳ tính thuế tiếp theo (tối đa không quá 5 năm).
Giả sử, vào năm (N+1), chi phí lãi vay sau trừ lãi từ tiền gửi và lãi cho vay là 2 tỷ. Trong khi 30% EBITDA năm sau là 2,4 tỷ VND. Như vậy ta có bảng tính chi phí lãi vay được trừ của năm (N+1) như sau:
CHỈ TIÊU | Năm N +1 |
1. Chi phí lãi vay sau trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay | 2.000.000 |
2. EBITDA | 8.000.000 |
3. Trần chi phí lãi vay được trừ (3 = 30% x 2) | 2.400.000 |
4. Chi phí lãi vay vượt trần mang sang từ năm (N-1) | 30.000 |
5. Chi phí lãi vay vượt trần mang sang từ năm N | 900.000 |
6. Chi phí lãi vay được tính là chi phí được trừ (6=min(3,(1+4+5))) | 2.400.000 |
7. Chi phí lãi vay vượt trần mang sang kỳ sau (7 = (1+4+5)-6) | 530.000 |
Lưu ý: Chi phí lãi vay vượt trần sẽ được chuyển sang kỳ sau theo thứ tự phát sinh. Do đó, 530 triệu VND được chuyển kỳ sau là phần chi phí phát sinh năm N, do đó, sẽ được chuyển chi phí tối đa đến năm N+5.
>> Có thể bạn quan tâm: Các công việc kê khai, nộp thuế trong 3 tháng đầu năm 2023 kế toán cần nhớ
4. Cách hạch toán trong trường hợp công ty vay tiền của cá nhân
Khoản vay tiền cá nhân bản chất cũng là một khoản vay và nợ thuê tài chính. Vì vậy, các phát sinh tăng giảm gốc vay sẽ được phản ánh vào tài khoản 341 – Vay và nợ thuê tài chính và chi phí lãi vay phát sinh hạch toán vào tài khoản 635 – Chi phí tài chính.
Hướng dẫn hạch toán như sau:
- Khi phát sinh vay tiền từ cá nhân:
Nợ TK 111/112- Tiền mặt/Tiền gửi ngân hàng: | Số tiền gốc vay từ cá nhân |
Có TK 341- Vay và nợ thuê tài chính: | Số tiền gốc vay từ cá nhân |
- Khi phát sinh lãi từ đi vay:
Nợ TK 635- Chi phí tài chính: | Lãi vay phải trả |
Có TK 338/111/112- Phải trả khác/Tiền mặt/Tiền gửi ngân hàng : | Lãi vay phải trả |
- Khi trả gốc vay:
Nợ TK 341- Vay và nợ thuê tài chính: | Số tiền gốc vay từ cá nhân |
Có TK 111/112- Tiền mặt/Tiền gửi ngân hàng: | Số tiền gốc vay từ cá nhân |
Bên cạnh đó, khi trình bày Báo cáo tài chính, kế toán cần dựa trên kỳ hạn còn lại của khoản vay để phân loại khoản vay vào khoản mục Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hay khoản mục Vay và nợ thuê tài chính dài hạn. Trong đó, kỳ hạn còn lại bằng thời gian chênh lệch giữa thời điểm đáo hạn khoản vay với thời điểm lập Báo cáo tài chính. Nếu kỳ hạn còn lại nhỏ hơn hoặc bằng (≤) 12 tháng thì khoản vay đó được phân loại là ngắn hạn, ngược lại là dài hạn. Ví dụ, Báo cáo tài chính được lập ngày 31/12/N, ngày đáo hạn là 31/7/N, kỳ hạn còn lại là 7 tháng thì khoản vay đó là khoản vay ngắn hạn. Ví dụ ngày đáo hạn là 31/1/N+1, kỳ hạn còn lại là 13 tháng thì khoản vay này được phân loại là dài hạn.
Trên đây là những thông tin cơ bản về việc ấn định thuế cũng như những rủi ro phát sinh xoay quanh hoạt động vay từ cá nhân, đặc biệt trong trường hợp lãi suất bằng 0%. Ngoài ra, bài viết cũng trình bày các lưu ý và cách thức hạch toán trong trường hợp công ty vay từ cá nhân. Qua đây, MISA AMIS hy vọng bạn đọc có thể dựa trên những nội dung trên để thực hiện các giao dịch vay từ cá nhân đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, giảm thiểu rủi ro về thuế.
Bên cạnh tổng hợp các kiến thức hữu ích về kế toán để giúp kế toán doanh nghiệp dễ dàng tìm hiểu trong quá trình công tác, MISA đồng thời phát triển phần mềm kế toán mang đến giải pháp quản trị tài chính kế toán tổng thể vừa đơn giản, thông minh vừa an toàn chính xác. Anh/Chị kế toán doanh nghiệp hãy đăng ký phần mềm kế toán online MISA AMIS để thực tế trải nghiệm một giải pháp với nhiều tính năng, tiện ích như:
- Hệ sinh thái kết nối:
- Hoá đơn điện tử – cho phép xuất hoá đơn ngay trên phần mềm
- Ngân hàng điện tử – cho phép lấy sổ phụ, đối chiếu và chuyển tiền ngay trên phần mềm
- Cơ quan Thuế – cổng mTax cho phép nộp tờ khai, nộp thuế ngay trên phần mềm
- Hệ thống quản trị bán hàng, nhân sự…
- Đầy đủ các nghiệp vụ kế toán: Đầy đủ 20 nghiệp vụ kế toán theo TT133 & TT200, từ Quỹ, Ngân hàng, Mua hàng, Bán hàng, Kho, Hóa đơn, Thuế, Giá thành,…
- Tự động nhập liệu: Tự động nhập liệu từ hóa đơn điện tử, nhập khẩu dữ liệu từ Excel giúp rút ngắn thời gian nhập chứng từ, tránh sai sót.
- Tự động tổng hợp số liệu và kết xuất báo cáo tài chính với hàng trăm biểu mẫu có sẵn giúp kế toán đáp ứng kịp thời yêu cầu của lãnh đạo
- ….
Tham khảo ngay bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS dùng thử miễn phí 15 ngày để quản lý công tác kế toán hiệu quả hơn.