Lợi nhuận gộp (Gross Profit) là một chỉ tiêu quan trọng, được thể hiện trên báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Hãy cùng tìm hiểu xem lợi nhuận gộp là gì, cách tính lợi nhuận gộp ra sao và các vấn đề liên quan đến chỉ số quan trọng này nhé.
1. Lợi nhuận gộp là gì?
Lợi nhuận gộp hay lãi gộp (gross profit) là phần lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được sau khi lấy doanh thu thuần trừ đi giá vốn hàng bán
Chỉ tiêu lợi nhuận gộp được thể hiện trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và làm cơ sở để tính những chỉ tiêu khác như lợi nhuận trước và sau thuế.
2. Cách tính lợi nhuận gộp
Công thức xác định lợi nhuận gộp như sau:
Lợi nhuận gộp | = | Doanh thu thuần | – | Giá vốn hàng bán |
Với doanh thu thuần được xác định theo công thức như sau:
Doanh thu thuần | = | Doanh thu | – | Các khoản giảm trừ doanh thu |
Trong đó:
- Giá vốn hàng bán là các chi phí trực tiếp sản xuất ra hàng hóa/dịch vụ đã bán ra. Giá vốn hàng bán không bao gồm các chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng.
- Doanh thu thuần là tổng doanh thu mà doanh nghiệp đạt được từ các việc bán sản phẩm đến cung cấp dịch vụ sau khi trừ đi các khoản giảm trừ doanh thu >> Chi tiết tại bài viết: Doanh thu thuần là gì
- Các khoản giảm trừ doanh thu sẽ bao gồm các khoản chiết khấu, giảm giá, hàng trả lại. >> Chi tiết tại bài viết: Kế toán các khoản giảm trừ doanh thu và những điều cần biết
Bài tập ví dụ: Công ty A nhập kho 1.200 sản phẩm, tổng giá thành 22.800.000 đồng. Xuất bán 800 sản phẩm, giá bán chưa thuế 22.000 đồng/sp; thuế GTGT khấu trừ 10%. Chi phí bán hàng 5.000 đồng/sp, chi phí quản lý doanh nghiệp chiếm 40% chi phí bán hàng, Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 28%.Vậy lợi nhuận gộp sẽ là bao nhiêu?
Hướng dẫn:
Giá thành 1 sản phẩm
Giá thành 1 sản phẩm | = | 22.800.000 | = | 19.000 đồng |
1.200 |
Doanh thu thuần | = | 800 x 22.000 | = | 17.600.000 đồng |
Giá vốn hàng bán | = | 800 x 19.000 | = | 15.200.000 đồng |
Ta có lợi nhuận gộp của công ty A như sau:
Lợi nhuận gộp | = | 17.600.000 – 15.200.000 | = | 2.400.000 đồng |
3. Phân biệt các khái niệm lợi nhuận
Lợi nhuận gộp rất dễ nhầm lẫn với các khái niệm lợi nhuận khác như lợi nhuận trước thuế, lợi nhuận ròng. Mỗi loại lợi nhuận này sẽ có cách tính khác nhau dựa theo các lớp chi phí của doanh nghiệp.
Các khái niệm về lợi nhuận | Định nghĩa | Công thức tính |
Lợi nhuận gộp | Là lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp sau khi lấy doanh thu thuần trừ đi các khoản chi phí trực tiếp (chi phí sản xuất, nguyên vật liệu…) | Lợi nhuận gộp = Doanh thu thuần – Giá vốn hàng bán |
Lợi nhuận thuần | Là phần còn lại của doanh nghiệp sau khi lấy lợi nhuận gộp trừ đi các khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp. | Lợi nhuận thuần = Lợi nhuận gộp – CP Bán hàng – CP quản lý DN + (Doanh thu tài chính – Chi phí tài chính) |
Lợi nhuận trước thuế | Là lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp sau đi lấy tổng các khoản doanh thu và thu nhập khác trừ đi tất cả các loại chi phí hoạt động của doanh nghiệp | Lợi nhuận trước thuế = Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh + Lợi nhuận khác |
Lợi nhuận ròng (lợi nhuận sau thuế) | Là lợi nhuận còn lại sau khi trừ đi các loại chi hoạt động và chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp | Lợi nhuận ròng = Lợi nhuận trước thuế – Thuế TNDN |
Để hiểu rõ về các khái niệm lợi nhuận này, anh chị có thể đọc thêm bài viết: Hướng dẫn lập Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
4. Lợi nhuận gộp cho chúng ta biết điều gì? Khái niệm liên quan – Tỷ suất lợi nhuận gộp?
Lợi nhuận gộp là chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất hàng hóa, dịch vụ. Lợi nhuận gộp chỉ tính đến các chỉ tiêu như doanh thu, chi phí trực tiếp liên quan đến việc bán và cung cấp hàng hóa, dịch vụ và không tính đến mức độ ảnh hưởng của các khoản như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí khác, thu nhập khác…. Bởi vậy, lợi nhuận gộp chính là chỉ tiêu phản ánh rõ ràng về hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp.
Để phân tích lợi nhuận gộp kỹ hơn, người ta sử dụng chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận gộp hay biên lợi nhuận gộp
Tỷ suất lợi nhuận gộp (Gross Profit Margin) là một chỉ số đánh giá mô hình kinh doanh và sức khỏe tài chính của công ty. Chỉ số này cho biết cứ một trăm đồng doanh thu thuần thì doanh nghiệp thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận gộp. Công thức xác định tỷ suất lợi nhuận gộp:
Tỷ suất lợi nhuận gộp (%) | = | Lợi nhuận gộp |
Doanh thu |
Những doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận gộp càng cao thì số lãi ròng của doanh nghiệp sẽ càng lớn. Điều này đồng nghĩa với việc là doanh nghiệp đó có khả năng quản lý và kiểm soát chi phí tốt hơn so với doanh nghiệp khác cùng kinh doanh lĩnh vực đó.
Đây cũng là hệ số quan trọng để so sánh các doanh nghiệp hoạt động trong cùng một ngành để thấy được hiệu quả hoạt động cũng như mức độ cạnh tranh của các doanh nghiệp. Sử dụng hệ số này chúng ta đã bỏ qua được các yếu tố như chi phí khác, thu nhập khác…. Không sử dụng chỉ số biên lợi nhuận gộp để so sánh giữa các doanh nghiệp không cùng ngành.
Các doanh nghiệp sản xuất có chi phí sản xuất chiếm phần lớn cơ cấu chi phí (ít CP bán hàng và quản lý doanh nghiệp), hoặc có nhiều tài sản cố định phục vụ sản xuất chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản của doanh nghiệp thì cần phân tích rất kỹ chỉ tiêu này. Có thể kể đến tên một số ngành như công nghiệp nặng, khoáng sản, logistics, vận tải, dầu khí, điện nước.
Bài tập ví dụ: Tỷ suất lợi nhuận gộp của công ty B trọng năm 2019 là 35%. Tổng kết năm 2020 cho thấy công ty B đạt tổng doanh thu từ bán hàng là 23 tỷ đồng, giá vốn hàng bán 15 tỷ đồng, các khoản giảm trừ doanh thu là 2 tỷ đồng. Vậy trong năm 2020, tỷ suất lợi nhuận tăng hay giảm bao nhiêu so với năm 2019?
Hướng dẫn xác định:
Doanh thu thuần | = | 23 tỷ – 2 tỷ | = | 21 tỷ |
Lợi nhuận gộp | = | 21 tỷ – 15 tỷ | = | 6 tỷ |
Tỷ suất lợi nhuận gộp (%) | = | 6 | x | 100% |
23 | ||||
= | 26.087% |
So với năm 2019 tỷ suất lợi nhuận gộp của công ty B đã giảm đáng kể. Cụ thể mức giảm tương đương là: 35% – 26.087% = 8.913%
Điều này cho thấy năm 2020, khả năng sinh lời từ lợi nhuận gộp của DN đang giảm đáng kể. Nếu doanh thu vẫn tăng trưởng, doanh nghiệp cần đánh giá lại các chi phí sản xuất của mình, xem xét các yếu tố như: chi phí nguyên vật liệu đầu vào, đơn giá nhân công, tỉ lệ sản phẩm lỗi,… để điều chỉnh lại.
Tạm kết
Lợi nhuận hay lợi nhuận gộp là một phần quan trọng trong sức khỏe tài chính của một doanh nghiệp. CEO/Chủ doanh nghiệp cần theo dõi liên tục, thậm chí là theo dõi chi tiết theo từng mặt hàng, dự án, từ đó có kế hoạch phát triển đúng đắn.
Hiện nay, một số phần mềm kế toán như MISA AMIS, MISA SME có thể cung cấp tự động chỉ tiêu lợi nhuận này cũng như các chỉ số tài chính chuyên sâu khác, giúp chủ doanh nghiệp kịp thời ra quyết định điều hành.
Trải nghiệm ngay những ứng dụng công nghệ hiện đại nhất trong công tác tài chính-kế toán của doanh nghiệp ngay hôm nay tại đây.