Khấu trừ thuế giá trị gia tăng là một trong những chủ điểm được nhiều doanh nghiệp quan tâm bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các doanh nghiệp. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp toàn bộ từ A – Z các quy định về khấu trừ thuế giá trị gia tăng mà Doanh nghiệp bạn chắc chắn không nên bỏ qua.
1. Khấu trừ thuế giá trị gia tăng là gì?
Khấu trừ thuế giá trị gia tăng (Value added tax deduction) là việc doanh nghiệp lấy số thuế giá trị gia tăng đầu ra trừ đi số thuế giá trị gia tăng đầu vào hoặc ngược lại để xác định số thuế GTGT phải nộp hoặc số thuế GTGT còn được khấu trừ.
Khi doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ dùng cho quá trình sản xuất, kinh doanh sẽ phải chi trả thêm mức thuế GTGT cho hàng hóa dịch vụ đó (Thuế GTGT đầu vào). Tuy nhiên khi doanh nghiệp bán hàng hóa ra thị trường thì khách hàng sẽ là người phải chịu mức thuế GTGT tính trên giá trị của hàng hóa đó (thuế GTGT đầu ra).
Khi đó, số thuế GTGT mà doanh nghiệp mua hàng ban đầu phải nộp sẽ được tính bằng khoản thuế GTGT đầu ra trừ đi khoản thuế GTGT đầu vào. Bản chất của thuế GTGT là thuế gián thu và đánh vào người sử dụng sản phẩm và dịch vụ cuối cùng, doanh nghiệp chỉ đóng vai trò thu hộ, nộp hộ nhà nước.
-
Đối tượng doanh nghiệp nào được áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT?
Theo Điều 12 Thông tư 219/2013/TT-BTC, cơ sở kinh doanh có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, dịch vụ đạt trên 1 tỉ đồng thì bắt buộc phải kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.
Lưu ý:
- Các doanh nghiệp này cũng phải đảm bảo điều kiện thực hiện đầy đủ chế độ hóa đơn, chứng từ, sổ sách kế toán theo quy định của pháp luật
- Cá nhân, hộ kinh doanh không được kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ
Nếu doanh thu từ bán hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp đạt dưới 1 tỉ đồng cả năm, doanh nghiệp vẫn có thể đăng ký tự nguyện kê khai theo phương pháp khấu trừ nếu đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật. Xem thêm tại đây
2. Nguyên tắc khấu trừ thuế giá trị gia tăng
Theo quy định tại điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC, sửa đổi bổ sung tại thông tư 151/2014/TT-BTC và thông tư 26/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn khấu trừ thuế GTGT với các trường hợp cụ thể:
- Thuế GTGT đầu vào dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thì được khấu trừ toàn bộ, bao gồm cả các trường hợp:
+ Thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hóa chịu thuế GTGT bị tổn thất
+ Hàng hóa/dịch vụ sử dụng để cho, biếu, tặng, khuyến mại, quảng cáo, phục vụ cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT
- Nếu doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cả nhóm hàng hóa chịu thuế và không chịu thuế GTGT, doanh nghiệp chỉ được khấu trừ phần thuế GTGT đầu vào dùng cho sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ đầu ra chịu thuế.
Trường hợp không hạch toán riêng được, doanh nghiệp tính số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ theo tỷ lệ % giữa doanh thu chịu thuế GTGT và tổng doanh thu của hàng hóa dịch vụ bán ra.
Doanh nghiệp tạm phân bổ, kê khai thuế GTGT được khấu trừ hàng tháng/quý rồi tiến hành phân bổ chính xác và kê khai điều chỉnh lại vào cuối năm.
- Thuế GTGT đầu vào phát sinh trong kỳ nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của kỳ đó, không phân biệt đã xuất dùng chưa.
Nếu DN phát hiện số thuế GTGT đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì được kê khai, khấu trừ bổ sung theo quy định của pháp luật.
- Thuế GTGT đầu vào chi dùng cho văn phòng tổng công ty, tập đoàn không trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh thì Không được khấu trừ
- Các hoạt động thuộc nhóm không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo quy định của pháp luật thì được khấu trừ toàn bộ số thuế GTGT đầu vào (trừ trường hợp mua một số dịch vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài không có cơ sở thường trú/cư trú tại Việt Nam như DV sửa chữa, quảng cáo, môi giới bán hàng, viễn thông quốc tế, thuê đường truyền dẫn, đào tạo…)
- Nếu DN nộp thuế theo PP trực tiếp => chuyển sang PP khấu trừ: được khấu trừ thuế GTGT đầu vào phát sinh kể từ kỳ đầu tiên kê khai, nộp thuế theo PP mới
- Nếu DN nộp thuế theo PP khấu trừ => chuyển sang PP trực tiếp: Số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết mà chưa được hoàn thì được hạch toán vào chi phí được trừ để tính thuế Thu nhập doanh nghiệp
- Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT thì không được khấu trừ (trừ trường hợp cung cấp HH, DV cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, viện trợ hoặc hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ dầu khí)
- Số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ thì được hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc tính vào nguyên giá của tài sản cố định. (trừ TH hóa đơn trên 20 triệu thanh toán bằng tiền mặt)
- Một số trường hợp đặc biệt:
+ Số GTGT đầu vào của sản xuất: phân bón, máy móc, thiết bị nông nghiệp, tàu hải sản xa bờ, thức ăn chăn nuôi, nếu tiêu thụ trong nước thì không khấu trừ mà tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN (trừ số thuế GTGT mua vào phát sinh trước ngày 01 tháng 01 tháng 2015 đáp ứng điều kiện khấu trừ, hoàn thuế)
+ Với tất cả các chi phí liên quan các tài sản cố định, máy móc, thiết bị của các tổ chức: sản xuất vũ khí, khí tài quốc phòng, an ninh; tín dụng, tái bảo hiểm, bảo hiểm nhân thọ, chứng khoán; khám, chữa bệnh, đào tạo; tàu bay dân dụng, du thuyền không dùng cho kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn => thuế GTGT đầu vào không khấu trừ mà tính vào nguyên giá hoặc chi phí xác định thuế TNDN
+ Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức sản xuất khép kín, hạch toán tập trung có sử dụng sản phẩm thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT qua các khâu để sản xuất ra mặt hàng chịu thuế GTGT thì số thuế GTGT đầu vào tại các khâu được khấu trừ toàn bộ.
+ Ô tô dưới 9 chỗ chỉ được khấu trừ phần thuế GTGT đầu vào tối đa tương ứng với giá tính thuế 1,6 tỉ đồng
3. Cách tính thuế GTGT phải nộp theo phương pháp khấu trừ
Khi xác định số thuế GTGT phải nộp, kế toán thực hiện bút toán kết chuyển thuế GTGT đầu vào và đầu ra.
Số thuế GTGT phải nộp = Số thuế GTGT đầu ra – Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ
Trong đó:
- Số thuế giá trị gia tăng đầu ra bằng tổng số thuế giá trị gia tăng của hàng hoá, dịch vụ bán ra ghi trên hoá đơn giá trị gia tăng.
- Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ bằng tổng số thuế GTGT ghi trên hoá đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ.Thuế GTGT ghi trên hóa đơn được xác định bằng công thức:
Thuế GTGT ghi trên hóa đơn = Giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế bán ra x Thuế suất thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ đó
- Trường hợp những hoá đơn đặc thù như tem, vé cước vận tải, vé sổ xố kiến thiết, trên hoá đơn có thể hiện giá đã bao gồm thuế GTGT thì phải tách thuế theo công thức sau:
Giá chưa thuế = Giá thanh toán (tiền bán tem, vé)/(1 + thuế suất (%))
Từ công thức trên ta có thể đưa ra kết quả:
- Nếu ra số dương tức là: Đầu vào > Đầu ra: thì số thuế này được khấu trừ và sẽ chuyển sang kỳ sau.
- Nếu ra số âm tức là: Đầu vào < Đầu ra: thì số này doanh nghiệp phải nộp vào ngân sách nhà nước.
Ví dụ: Ngày 10/07/2020 Công ty ANQ tiến hành tính thuế GTGT phải nộp cho kỳ thuế quý 2/2020 biết tổng thuế GTGT đầu vào là 50.000.000đ, tổng thuế GTGT đầu ra là 80.000.000đ, số thuế GTGT còn được khấu trừ ở quý 1/2020 chuyển sang là 15.000.000đ. Như vậy:
Số thuế GTGT phải nộp = 80.000.000 – 50.000.000 = 30.000.000đ
Nhưng do Quý 1/2020 Công ty còn thuế GTGT được khấu trừ là 10.000.000đ
Số thuế GTGT phải nộp Quý 2/2018 = 30.000.000 – 15.000.000 = 15.000.000đ
4. Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào
Căn cứ Điều 15 thông tư 219/2013/TT-BTC (sửa đổi bởi khoản 10 điều 1 thông tư 26/2015/TT-BTC), điều 1 thông tư 173/2016/TT-BTC cơ sở kinh doanh để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào phải đáp ứng các quy định sau:
- Có hóa đơn GTGT hợp pháp hoặc chứng từ nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho đối tác nước ngoài
- Đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào từ 20 triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt (bao gồm mua hàng của cùng một nhà cung cấp nhiều lần trong ngày, mà tổng giá trị các lần mua lớn hơn 20 triệu đồng)
Chứng từ không dùng tiền mặt bao gồm:
- Chứng từ thanh toán qua ngân hàng: là các chứng từ chứng minh được việc chuyển tiền từ bên mua sang bên bán như séc, ủy nhiệm chi hoặc lệnh chi, ủy nhiệm thu, nhờ thu, thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, sim điện thoại (ví điện tử) và các hình thức thanh toán khác theo quy định (bao gồm cả trường hợp bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua sang tài khoản bên bán mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc ngược lại)
- Trường hợp thanh toán theo phương pháp bù trừ công nợ thì phải có các chứng từ chứng minh theo quy định pháp luật.
5. Thời hạn khấu trừ thuế GTGT
Điều 10, Thông tư 156/2013/ TT-BTC quy định về thời gian kê khai nộp thuế GTGT như sau:
- Khai và nộp thuế theo tháng: chậm nhất phải hoàn thiện nộp hồ sơ vào ngày thứ 20 (hai mươi) của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ nộp thuế.
- Khai và nộp thuế theo quý, tạm tính theo quý: chậm nhất phải hoàn thiện nộp hồ sơ vào ngày thứ 30 (ba mươi) của quý tiếp theo quý có phát sinh nghĩa vụ thuế.
- Khai và nộp thuế theo năm: chậm nhất phải hoàn thiện nộp hồ sơ vào ngày thứ 30 (ba mươi) của tháng đầu tiên năm dương lịch tiếp theo.
- Khai và nộp thuế theo từng lần phát sinh nghĩa vụ nộp thuế cho NSNN: chậm nhất phải hoàn thiện nộp hồ sơ vào ngày thứ 10 (mười), tính từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ thuế.
Kế toán cần nắm rõ quy định về thời hạn nộp thuế và xử lý vấn đề chậm nộp thuế GTGT theo quy định của pháp luật để tránh thiệt hại cho doanh nghiệp.
6. Các trường hợp không được khấu trừ thuế
Căn cứ Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 151/2014/TT-BTC và Thông tư 26/2015/TT-BTC, kế toán cần lưu ý một số trường hợp không được khấu trừ thuế GTGT. Cụ thể:
- Lỗi về hóa đơn
- Hóa đơn từ 20 triệu đồng trở lên mà không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng
- Thuế GTGT đầu vào của số lượng hàng hóa hao hụt vượt định mức
- Tiền thuê nhà cho chuyên gia nước ngoài
- Thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ sử dụng để sản xuất, kinh doanh mặt hàng không chịu thuế GTGT
- Ô tô dưới 9 chỗ chỉ được khấu trừ phần thuế GTGT tương ứng với giá tính thuế tối đa là 1,6 tỷ đồng
- Văn phòng tổng công ty, tập đoàn không trực tiếp hoạt động kinh doanh thì không được khấu trừ hay hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mua vào phục vụ cho hoạt động của các đơn vị này.
- Các trường hợp cơ sở kinh doanh có hàng hóa xuất khẩu hoặc hàng hóa được coi như xuất khẩu nếu đã có xác nhận của cơ quan hải quan (đối với hàng hóa xuất khẩu) nhưng không có đủ các thủ tục, hồ sơ khác đối với từng trường hợp cụ thể thì không phải tính thuế GTGT đầu ra nhưng không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Riêng đối với trường hợp hàng hóa gia công chuyển tiếp và hàng hóa xuất khẩu tại chỗ, nếu không có đủ một trong các thủ tục, hồ sơ theo quy định thì phải tính và nộp thuế GTGT như hàng hóa tiêu thụ nội địa.
Trên đây là tổng hợp từ A – Z những quy định về khấu trừ thuế giá trị gia tăng, giúp doanh nghiệp tránh khỏi những sai sót khi thực hiện.
Các nghiệp vụ về thuế nói chung và thuế GTGT nói riêng luôn khiến kế toán gặp nhiều sai sót. Chính vì vậy việc sử dụng các công cụ phần mềm tự động sẽ giúp kế toán giảm thiểu những khó khăn trong công tác hạch toán, khấu trừ thuế. Phần mềm kế toán MISA AMIS tích hợp đầy đủ các tính năng liên quan đến thuế như:
- Tự động lập tờ khai: Phần mềm tự động lập Tờ khai thuế GTGT theo kỳ; Tờ khai thuế TNDN tạm tính, Tờ khai quyết toán thuế TNDN… và các phụ lục kèm theo cũng như báo cáo thuế có mã vạch.
- Tự động khấu trừ thuế GTGT: Phần mềm tự động khấu trừ thuế GTGT đầu vào đầu ra để giúp kế toán viên xác định được số thuế phải nộp hay số thuế được hoàn lại.
- Nộp tờ khai trực tiếp cho cơ quan thuế: Phần mềm tích hợp dịch vụ kê khai thuế Mtax.vn, hỗ trợ kế toán nộp trực tiếp tờ khai đã lập trên phần mềm
Đặc biệt, về khấu trừ thuế giá trị gia tăng, phần mềm AMIS Kế toán cho phép doanh nghiệp lập chứng từ hạch toán khấu trừ thuế GTGT (áp dụng với doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ) một cách dễ dàng. Phần mềm sẽ tự động tổng hợp các phát sinh thuế GTGT đầu vào và đầu ra trong kỳ khấu trừ mà doanh nghiệp không cần mất nhiều thời gian tổng hợp như trước đây.
Tham khảo ngay phần mềm kế toán MISA AMIS để công tác quản lý kế toán hiệu quả hơn.