Doanh thu là gì? Cách tính doanh thu đầy đủ, chính xác nhất

Doanh thu là chỉ tiêu đặc biệt quan trọng với doanh nghiệp bởi cốt lõi của hoạt động kinh doanh là phải có lợi nhuận, mà muốn có lợi nhuận thì trước hết doanh nghiệp phải tạo ra doanh thu. Tuy nhiên, khái niệm doanh thu là gì? tưởng chừng đơn giản này lại bị hiểu sai rất nhiều.

1. Doanh thu là gì? 

Về cơ bản, một doanh nghiệp khó có thể tồn tại nếu không có doanh thu. Bởi vậy, trước khi tính đến lợi nhuận, phần lớn các doanh nghiệp đều tính đến mục tiêu doanh thu, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch như hiện nay. Hiểu theo một cách đơn giản thì doanh thu là phần lợi ích kinh tế mà doanh nghiệp thu được từ hoạt động của mình.

Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) số 14, định nghĩa doanh thu như sau: “Doanh thu là tổng giá trị các lợi ích kinh tế doanh nghiệp thu được trong kỳ kế toán, phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường của doanh nghiệp, góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu.”

Như vậy, hiểu theo chuẩn mực hay hiểu theo bất kỳ cách thức nào thì doanh thu của doanh nghiệp đều là phần lợi ích kinh tế mà doanh nghiệp có được từ các hoạt động của mình, góp phần làm gia tăng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

2. Cách tính doanh thu chính xác nhất

Thông thường, doanh thu sẽ được tính bằng giá sản phẩm nhân với sản lượng. Tất cả các doanh nghiệp hiện nay đều áp dụng công thức này để tính doanh thu. Như vậy, công thức tính doanh thu bán hàng và doanh thu cung cấp dịch vụ như sau:

  • Đối với hoạt động bán sản phẩm: Doanh thu = giá bán x sản lượng
  • Đối với các công ty cung cấp dịch vụ: Doanh thu = số lượng khách hàng x giá dịch vụ

3. Ý nghĩa của doanh thu

Doanh thu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với mọi doanh nghiệp bởi doanh thu là nguồn thu có vai trò giúp doanh nghiệp thực hiện chi trả những phát sinh liên quan đến quá trình hoạt động kinh doanh như chi phí thuê địa điểm hoạt động, phí và lệ phí, thuế cho cơ quan nhà nước theo đúng các quy định pháp luật. Bên cạnh đó, doanh thu còn là khoản quan trọng để ngoài việc duy trì hoạt động, doanh nghiệp sẽ có cơ hội phát triển hơn trong những năm tiếp theo.

Hơn nữa, mặc dù việc sử dụng đòn bẩy tài chính (hay nói cách khác là các khoản vay) là giải pháp để doanh nghiệp nhanh chóng có được nguồn vốn cần thiết song doanh thu mới được coi là khoản dự trữ nguồn vốn sẵn có cho doanh nghiệp an toàn và hiệu quả nhất. Có doanh thu thì doanh nghiệp sẽ ít phải lo lắng và phải tìm đến các khoản vay nếu gặp khó khăn. Cuối cùng, doanh thu chính là cơ sở tạo ra nguồn lợi nhuận, điều mà bất kỳ ai làm doanh nghiệp đều hướng đến.

4. Những sai lầm thường gặp về doanh thu

4.1. Nhầm lẫn giữa doanh thu và dòng tiền vào

Rất nhiều chủ doanh nghiệp hiện nay coi dòng tiền vào của doanh nghiệp là doanh thu, nghĩa là cứ thu được tiền thì coi đó là doanh thu. Đây là một cách hiểu sai lầm bởi lẽ, doanh thu chỉ được ghi nhận khi doanh nghiệp hoàn thành việc chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng một loại hàng hóa hoặc việc cung ứng dịch vụ cho người mua.

Các trường hợp nhầm lẫn thường gặp nhất giữa doanh thu và dòng tiền vào là:

  • Nhận tiền tạm ứng từ khách hàng và coi đó là doanh thu => Sai do thời điểm này doanh nghiệp thực chất chưa hoàn thành chuyển giao hàng hóa/dịch vụ cho khách hàng.
  • Các khoản khách trả trước cho nhiều kỳ nhưng lại tính hết vào doanh thu một kỳ (trong kế toán gọi là doanh thu chưa thực hiện). Cách hiểu sai này rất thường gặp với các DN dịch vụ, dẫn đến tính sai kết quả kinh doanh.

Ví dụ 1: Tháng 6/2021 doanh nghiệp A bán gói dịch vụ tập Gym 6 tháng cho các khách hàng, trị giá 300 triệu đồng. Công ty A tính ra chi phí điện nước, mặt bằng, lương nhân viên trong kỳ là 100 triệu.

Công ty A tính lợi nhuận tháng 6 là: 300 – 100 = 200 triệu đồng

Đây là cách tính sai bởi lẽ, khoản 300tr này phần giá trị dịch vụ mà công ty A cung cấp cho khách trong khoảng thời gian 6 tháng, do đó, doanh thu ghi nhận vào tháng 6 chỉ là:

300 : 6 = 50 triệu đồng

Và lợi nhuận chỉ là: 50 – 100 = -50 triệu. Thực chất công ty đang lỗ mặc dù nhìn trên giá trị dòng tiền là công ty đang có đến 200 triệu.

4.2. Ghi nhận doanh thu sai thời điểm

Một số doanh nghiệp có cách hiểu sai là doanh thu sẽ được ghi nhận khi DN nhận được tiền thanh toán từ khách hàng hoặc khi DN xuất hóa đơn.

Đây cũng là cách hiểu sai bởi lẽ, doanh thu sẽ được ghi nhận ngay tại thời điểm DN hoàn thành việc chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa cho khách hàng hoặc hoàn thành việc cung cấp dịch vụ; không phụ thuộc vào thời điểm thanh toán. Cần hiểu đúng vấn đề này để tránh sai sót khi xác định lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh.

Ví dụ 2: Một doanh nghiệp A có các thông tin như sau:

Tháng 6 – Chi phí: 100 triệu; Hoàn thành 1 đơn hàng cho KH B trị giá 150 triệu. KH B hẹn thanh toán trong tháng 7

Tháng 7 – Chi phí 80 triệu, hoàn thành 1 đơn hàng trị giá 50 triệu, được KH thanh toán ngay. Đồng thời nhận được khoản thanh toán từ KH B là 150 triệu.

XX Nếu hiểu sai là tính doanh thu theo thời điểm nhận tiền, DN sẽ tính như sau:

Tháng 6: không có doanh thu, lợi nhuận -100 triệu.

Tháng 7: doanh thu 200 triệu, lợi nhuận 200 – 80 = 120 triệu; từ đây đánh giá kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt. Đó là cách đánh giá sai lầm.

Thực chất, doanh thu và lợi nhuận 2 tháng là:

Tháng 6: 150 – 100 = 50 triệu

Tháng 7: 50 – 80 = -30 triệu (lỗ)

Như vậy, tháng 7 DN đang kinh doanh kém hiệu quả so với tháng 6. Từ ví dụ trên chúng ta thấy rằng, hiểu sai cách ghi nhận doanh thu sẽ dẫn đến tính sai lợi nhuận và đánh giá hiệu quả kinh doanh, có thể gây ra những quyết định thiếu chính xác.

>>> Xem thêm thời điểm ghi nhận doanh thu bán hàng; doanh thu cung cấp dịch vụ và doanh thu chương trình truyền thống tại các bài viết:

4.3 Tính cả các khoản thuế gián thu vào doanh thu

Các khoản thuế gián thu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu,… chỉ là các khoản mà doanh nghiệp thu hộ nhà nước, người chịu thuế thực chất là người tiêu dùng hàng hóa dịch vụ cuối cùng, do đó gộp chung khoản thuế này vào doanh thu là không chính xác

Ví dụ: Doanh nghiệp bán 1 lô hàng trị giá 110 triệu đồng, thuế GTGT 10% 10 triệu => Doanh số của doanh nghiệp là: 100 triệu đồng, 10 triệu thuế GTGT không được tính vào doanh thu.

5. Phân loại doanh thu 

Nói đến doanh thu là nói đến một chỉ tiêu quan trọng của doanh nghiệp, vậy doanh nghiệp có thể có mấy loại doanh thu?

5.1 Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ

Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ là khoản doanh thu mà doanh nghiệp thu được từ hoạt động kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất hoặc do doanh nghiệp mua vào sau đó bán ra. Trong đó:

  • Doanh thu bán hàng: là doanh thu bán sản phẩm mà doanh nghiệp sản xuất ra, bán hàng hóa mua vào và bán bất động sản đầu tư.
  • Doanh thu cung cấp dịch vụ: là doanh thu thực hiện công việc đã thỏa thuận theo hợp đồng trong một hay nhiều kỳ kế toán như cung cấp dịch vụ vận tải, du lịch, cho thuê tài sản cố định theo phương thức cho thuê hoạt động…

5.2 Doanh thu tài chính

Doanh thu tài chính là doanh thu thu được từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp, bao gồm các hoạt động đầu tư tài chính, kinh doanh về vốn. Doanh thu tài chính của doanh nghiệp thực tế rất đa dạng, đến từ nhiều hoạt động tài chính khác nhau, bao gồm:

  • Tiền lãi thu được từ hoạt động cho vay, từ nguồn tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn, không kỳ hạn, lãi bán hàng theo phương thức trả chậm, trả góp, lãi do đầu tư các loại trái phiếu, tín phiếu, lãi từ việc được hưởng chiết khấu thanh toán;
  • Cổ tức lợi nhuận được chia;
  • Thu nhập có được từ hoạt động đầu tư mua, bán chứng khoán ngắn, dài hạn;
  • Thu nhập có được thu hồi hoặc thanh lý các khoản vốn góp liên doanh, đầu tư vào công ty liên kết, đầu tư vào công ty con, đầu tư vốn khác;
  • Thu nhập về các hoạt động đầu tư khác;
  • Các khoản doanh thu hoạt động tài chính khác của doanh nghiệp.

5.3 Doanh thu nội bộ

Doanh thu nội bộ là khoản doanh thu đặc biệt, được tạo ra từ việc tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong nội bộ doanh nghiệp, diễn ra giữa các đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc trong cùng một đơn vị doanh nghiệp tính theo giá nội bộ.

5.4 Thu nhập khác

Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam VAS số 14, thu nhập khác là khoản thu góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu từ  hoạt động ngoài các hoạt động tạo ra doanh thu, bao gồm:

  • Thu về thanh lý TSCĐ, nhượng bán TSCĐ;
  • Thu tiền phạt khách hàng do vi phạm hợp đồng;
  • Thu tiền bảo hiểm được bồi thường;
  • Thu được các khoản nợ phải thu đã xóa sổ tính vào chi phí kỳ trước;
  • Khoản nợ phải trả nay mất chủ được ghi tăng thu nhập;
  • Thu các khoản thuế được giảm, được hoàn lại;
  • Các khoản thu khác.


6. Các khoản giảm trừ doanh thu cần biết

Các khoản giảm trừ doanh thu đúng theo tên gọi là những khoản sẽ làm cho doanh thu mà doanh nghiệp tạo ra bị giảm đi. Căn cứ và VAS 14 và quy định pháp luật về kế toán, ta có các khoản giảm trừ doanh thu như sau:

  • Chiết khấu thương mại: Đây là khoản mà doanh nghiệp đã giảm trừ, hoặc đã thanh toán cho người mua hàng nếu người mua đã mua hàng với khối lượng lớn và theo thỏa thuận bên bán sẽ dành cho bên mua một khoản chiết khấu thương mại (đã ghi trên hợp đồng kinh tế mua bán hoặc các cam kết mua, bán hàng).
  • Giảm giá hàng bán: Đây là khoản giảm trừ mà doanh nghiệp tạo ra cho người mua  do hàng hóa kém phẩm chất, sai quy cách hoặc lạc hậu thị hiếu.
  • Hàng bán bị trả lại: Đây là giá trị số sản phẩm, hàng hóa mà khách hàng sau khi mua hàng đã trả lại cho doanh nghiệp vì các nguyên nhân như: vi phạm cam kết, vi phạm hợp đồng kinh tế, hàng bị kém, mất phẩm chất, không đúng chủng loại, quy cách.

7. Điều kiện ghi nhận doanh thu

7.1 Điều kiện ghi nhận doanh thu bán hàng

Căn cứ vào Điểm 10 VAS 14, doanh thu bán hàng của doanh nghiệp được ghi nhận khi đồng thời thỏa mãn các điều kiện sau:

  • Đã chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu hàng hóa cho người mua;
  • Không còn nắm giữ quyền quản lý hàng hóa như người sở hữu hoặc quyền kiểm soát hàng hóa;
  • Doanh thu được xác định tương đối chắc chắn;
  • Đã thu được hoặc sẽ thu được lợi ích kinh tế từ giao dịch bán hàng;
  • Xác định được chi phí liên quan đến giao dịch bán hàng.

7.2 Điều kiện ghi nhận doanh thu cung cấp dịch vụ

Căn cứ vào Điểm 16 VAS 14, doanh thu cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp được ghi nhận khi đồng thời thỏa mãn các điều kiện sau:

  • Doanh thu được xác định tương đối chắc chắn;
  • Có khả năng thu được lợi ích kinh tế từ giao dịch cung cấp dịch vụ;
  • Xác định được phần công việc đã hoàn thành vào ngày lập Bảng cân đối kế toán;
  • Xác định được chi phí phát sinh cho giao dịch và chi phí để hoàn thành giao dịch cung cấp dịch vụ đó.

Có thể thấy doanh thu là một chỉ tiêu đặc biệt quan trọng tại doanh nghiệp. Với chỉ tiêu quan trọng như vậy, chủ doanh nghiệp cần thiết phải thực hiện theo dõi thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, chủ doanh nghiệp cũng nên tiến hành phân tách được doanh thu của doanh nghiệp theo từng mặt hàng, thị trường, nhân viên kinh doanh… Bởi lẽ, khi theo dõi thường xuyên, liên tục và theo dõi một cách chi tiết doanh thu theo từng khía cạnh sẽ giúp chủ doanh nghiệp xác định được đâu là mặt hàng đang có kết quả tốt, thị trường nào đang kinh doanh tốt, nhân viên kinh doanh nào có doanh số tốt…. để từ đó đưa ra các quyết định phù hợp, kịp thời.

Để làm được điều này, chủ doanh nghiệp cần đến sự hỗ trợ của các công cụ phần mềm công nghệ ví dụ như phần mềm kế toán online MISA AMIS. AMIS Kế toán – giải pháp quản trị tài chính thông minh thế hệ mới có nhiều tính năng nổi bật, nhất là các tính năng về doanh thu như:

  • Doanh thu: Cho phép theo dõi doanh số bán hàng theo chi nhánh/ văn phòng, theo thời gian, theo mặt hàng/ nhóm hàng, theo thị trường
  • Chỉ tiêu tài chính: Xem tổng quan tình hình sức khỏe của doanh nghiệp như khả năng hoạt động, khả năng sinh lời…
  • Đầy đủ báo cáo quản trị: Hàng trăm báo cáo quản trị theo mẫu hoặc tự thiết kế chỉnh sửa, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề.
  • Tự động hóa việc lập báo cáo: Tự động tổng hợp số liệu lên báo cáo thuế, báo cáo tài chính và các sổ sách giúp doanh nghiệp nộp báo cáo kịp thời, chính xác.

Đó là toàn bộ những thông tin về doanh thu là gì và những kiến thức cơ bản nhất về doanh thu mà chủ doanh nghiệp cần nắm bắt.

Quý chủ doanh nghiệp có thể đăng ký sử dụng miễn phí 15 ngày bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS tại đây.

CTA nhận tư vấn

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *